Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Thứ ba - 01/11/2022 03:51 1.232 0
Ngày 26/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (thay thế Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp). Theo đó, Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Nghị định quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sai tên gọi theo quyết định thành lập, cho phép thành lập, quyết định đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định thành lập, cho phép thành lập, quyết định chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định quy định phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với hành vi tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài nhưng không thực hiện báo cáo điều kiện bảo đảm tự chủ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, điều kiện tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài. Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp được cấp không đúng thẩm quyền; tổ chức hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài được cấp không đúng thẩm quyền. 
Đối với hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Nghị định quy định phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp; 40-60 triệu đồng đối với trường trung cấp; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trường của lực lượng vũ trang nhân dân và phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên môn đặc thù.
Nghị định quy định phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài khi không đủ điều kiện tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài. Và Nghị định cũng quy định nếu công khai không đầy đủ các nội dung về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp bị phạt tới 20 triệu đồng.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong thời gian bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Phạt tiền đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng tên ngành, nghề đào tạo hoặc ngành, nghề đào tạo không được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự… theo các mức phạt từ 40-150 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tuỳ theo số lượng người học...
Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là 01 năm.
Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
+ Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
+ Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
- Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định nêu trên.
Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
- Trong thời hạn được quy định nêu trên mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022.
Nghị định số 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay12,880
  • Tháng hiện tại36,976
  • Tổng lượt truy cập15,304,916
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây