Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau gần 10 năm thi hành, ngày 13/11/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Luật sửa đổi, bổ sung đã khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật năm 2012. Tuy nhiên, sau gần một năm thi hành đã phát sinh vướng mắc, bất cập, khó khăn cho công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, một trong những khó khăn đó là quy định về thời hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, cụ thể:
Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 29 Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020) quy định: "Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.
Thời hạn 24 giờ phải chuyển biên bản vi phạm hành chính và các tài liệu khác cho người có thẩm quyền xử phạt làm khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật. Vì có những vụ việc phức tạp, cần nhiều thời gian để xác minh, làm rõ (hành vi, đối tượng, giá trị trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các tình tiết khác có liên quan) nhằm xác định đúng thẩm quyền xử phạt, sau đó mới có thể hoàn thiện hồ sơ và chuyển giao cho người có thẩm quyền. Ngoài ra, có những vụ việc xảy ra ở nơi khó khăn về đi lại, tiếp cận, thông tin liên lạc hạn chế, việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, kiểm tra hiện trường, bảo vệ tang vật, phương tiện vi phạm, dẫn giải người vi phạm, lập hồ sơ ban đầu vô cùng khó khăn, cần rất nhiều thời gian để thực hiện.
Với khối lượng công việc và những khó khăn nói trên, quy định 24 giờ phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt là không khả thi, thậm chí một số cơ quan có thẩm quyền (có thể) vì không muốn tiếp nhận, xử lý nên lấy lý do "quá thời hạn 24 giờ" nhằm không tiếp nhận, xử lý vụ việc, dẫn đến quá thời hạn không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để lâu không được tịch thu, xử lý dẫn đến hư hỏng, suy giảm chất lượng.
Thiết nghĩ, để khắc phục khó khăn trên, cần quy định tăng thời gian chuyển biên bản và các tài liệu vi phạm hành chính (khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 29 Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020) trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản./.