Thái Nguyên: Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật

Thứ hai - 14/11/2022 22:48 558 0
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đóng góp tích cực vào việc nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trong 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, đoàn thể đối với công tác truyền thông, PBGDPL, hỗ trợ tích cực nhu cầu tiếp cận pháp luật, tìm hiểu pháp luật, nâng cao trình độ dân trí, giữ vững trật tự, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và xã hội, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới. Cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thực hiện tốt phương châm "Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".
Hoạt động PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong 10 năm qua có nhiều chuyển biến tích cực về cả số lượng và chất lượng, các đơn vị, địa phương đều đã triển khai toàn diện về phạm vi và đối tượng. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định trong Luật đều đã được áp dụng triển khai trên cơ sở lựa chọn các hình thức phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng để áp dụng, mang lại hiệu quả cao, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, kết quả đạt được qua một số hình thức cụ thể như:
+  PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật: Hoạt động PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị, các lớp bồi dưỡng được tổ chức rộng khắp đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành. Các đơn vị làm tốt trong hoạt động này là Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Giao thông-vận tải, Ban dân tộc, Hội LHPN, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn… và các địa phương như Thành phố Thái Nguyên, Thành phố Sông Công, huyện Định Hóa…
 +  PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin điện tử: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã bám sát các sự kiện có liên quan đến công tác tuyên truyền pháp luật, duy trì thực hiện chuyên mục cải cách hành chính, giới thiệu văn bản mới, quyết định mới để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân và cán bộ; Hướng dẫn công tác tuyên truyền pháp luật đối với Đài truyền thanh các huyện, thành phố; tổ chức tuyên truyền về "Ngày pháp luật", tuyên truyền các chính sách pháp luật của Trung ương, của tỉnh, tuyên truyền các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh tổ chức. Kết quả sau 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các ngành thành viên Hội đồng tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng ngành, lĩnh vực chuyên môn, đảm bảo việc PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng đến được với đông đảo người nghe, người xem. Trung bình mỗi năm các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương đăng khoảng 1.000 tin bài phổ biến, giáo dục pháp luật trên tất cả các lĩnh vực; duy trì thường xuyên Chuyên mục Pháp luật và cuộc sống trên sóng truyền hình và phát thanh.
 + PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở: Thông qua các hình thức trợ giúp pháp lý như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động thì hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng được mở rộng tới tận các làng, xóm, thôn, bản với mong muốn giúp cho nhóm người yếu thế tiếp cận pháp luật thuận lợi, được giải đáp những vướng mắc về pháp lý nhằm góp phần giải tỏa nhiều tranh chấp bất đồng trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ vào văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn của Sở Tư pháp và UBMTTQ tỉnh, các địa phương cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn. Kết quả, sau 10 năm, toàn tỉnh đã tổ chức 2.767 hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho hòa giải viên. Hiện nay, mạng lưới Tổ hòa giải được thành lập ở các khu dân cư, toàn tỉnh hiện có 2.253 Tổ hòa giải với 15.939 hòa giải viên. Mạng lưới tổ hòa giải đã được thành lập rộng khắp trên địa bàn, đảm bảo mỗi khu dân cư có ít nhất 01 tổ hoà giải, Tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt từ 79-85%.
+ Hình thức PBGDPL thông qua việc biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật: Trong 10 năm qua, hình thức biên soạn tài liệu PBGDPL luôn được duy trì và phát huy hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động lựa chọn những nội dung sát với nhu cầu thực tế, lựa chọn hình thức biên soạn tài liệu phù hợp nhằm truyền tải những thông tin, kiến thức pháp luật cần thiết đến với các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng cho việc nâng cao kiến thức pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân. Bình quân mỗi năm các đơn vị và địa phương trên địa bàn đã phát hành và cấp phát 40.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần phải có những mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp Nhân dân.
Hiện nay, việc tổ chức các Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật trên các Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đã góp phần tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quy định pháp luật cần thiết trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp luật và hình thành thói quen chủ động học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật trong cán bộ và Nhân dân. Thí sinh tham gia Cuộc thi sẽ trả lời trực tiếp tất cả các câu hỏi trắc nghiệm theo phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn. Ưu điểm của Cuộc thi là tiện lợi, thu hút số lượng lớn đối tượng tham gia, tiết kiệm chi phí tổ chức, nội dung câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động, gây hứng thú, không cứng nhắc, khô khan, đối tượng tham gia Cuộc thi ở mọi lúc, mọi nơi có mạng Internet đều có thể truy cập vào làm bài thi mà không hạn chế về thời gian và có thể tham gia Cuộc thi nhiều lần, qua đó giúp nắm vững hơn các quy định của pháp luật. Qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, toàn tỉnh đã tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu vê pháp luật như: Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội thi "Hòa giải viên giỏi"; Hội Phụ nữ tổ chức Hội thi "Người điều hành giỏi"; Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thi "Nhà nông đua tài"…; Công an tỉnh tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Cải cách hành chính trong lực lượng công an nhân dân”, Viện kiểm sát tổ chức cuộc thi “xây dựng cáo trạng”, chương trình “chúng tôi là kiểm sát viên” bằng hình thức thi Gameshow... Trong những năm gần đây, việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, các cuộc thi như: “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”, “Cải cách thủ tục hành chính”, “Tìm hiểu Luật An ninh mạng và nhận diện thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng”, “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND”… mỗi cuộc thi thu hàng chục triệu lượt người tham gia.
Bên cạnh việc tổ chức các Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật thì một trong những kênh thông tin đưa pháp luật đến với người dân kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện đó là Trang Fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật Thái Nguyên. Đây là mạng xã hội được nhiều đối tượng sử dụng rộng rãi, có thể truy cập mọi lúc mọi nơi trên các thiết bị thông minh như  Iphone, Ipad, điện thoại di động có kết nối Internet. Trên Fanpage sẽ cập nhật thường xuyên, liên tục, hằng ngày các thông tin, chính sách pháp luật mới, quan trọng của Trung ương, địa phương; tiếp nhận, tư vấn, giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của người dân liên quan đến pháp luật trên các lĩnh vực; bình luận, trao đổi, phân tích, giải quyết các tình huống pháp lý cụ thể; đăng tải các video, tình huống pháp luật;...
Trong 10 năm qua, các đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đều đã bám sát vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, cũng như tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước và địa phương để xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng yêu cầu của Luật PBGDPL, triển khai cơ bản các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân, các văn bản liên quan đến những vấn đề có tính thời sự được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, trong đó các cơ quan đơn vị đều đã xác định nội dung trọng tâm cần PBGDPL cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Theo đó, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về trách nhiệm triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị, địa phương; tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”./.

Tác giả bài viết: Hà Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây