Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thứ năm - 22/12/2022 19:50 788 0
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan. Người ra quyết định cưỡng chế tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới. Việc gửi quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan được thực hiện theo quy định tại Điều 70 của Luật XLVPHC. Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.
Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế:
Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật XLVPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020); quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thi hành quyết định cưỡng chế:
  • Cá nhân, tổ chức liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế;
  • Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước khác khi được yêu cầu;
  • Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền cưỡng chế; tiến hành phong tỏa số tiền trong tài khoản tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp hoặc phong tỏa toàn bộ số tiền trong tài khoản trong trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp; thực hiện việc trích chuyển số tiền phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trong thời hạn 05 ngày làm việc trước khi trích chuyển, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự đồng ý của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
             Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế
Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP như sau:
 Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập
* Đối tượng bị áp dụng khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập bao gồm:
- Cá nhân bị cưỡng chế là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức.
- Cá nhân bị cưỡng chế đang được hưởng bảo hiểm xã hội.
- Xác minh thông tin về tiền lương và thu nhập
- Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức xác minh thông tin về tiền lương, thu nhập, mức bảo hiểm xã hội được hưởng của cá nhân bị cưỡng chế để làm căn cứ ra quyết định cưỡng chế.
- Cá nhân bị cưỡng chế; tổ chức, cá nhân đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập và các tổ chức, cá nhân liên quan phải cung cấp thông tin về tiền lương, thu nhập, mức bảo hiểm xã hội của cá nhân bị cưỡng chế trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp.
* Quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân
Quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân bao gồm những nội dung sau: Số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân bị cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế; số tiền bị khấu trừ; lý do khấu trừ; tên, địa chỉ của KBNN nhận tiền; phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ đến Kho bạc; thời gian thi hành; chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định.
* Tỷ lệ khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân
Việc khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập có thể tiến hành nhiều lần, tỷ lệ như sau:
- Đối với tiền lương, bảo hiểm xã hội tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 30% tổng số tiền lương, bảo hiểm xã hội được hưởng.
- Đối với những khoản thu nhập khác, tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 50% tổng thu nhập.
* Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị khấu trừ
- quan, đơn vị, tổ chức người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.
- Đến kỳ lĩnh lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ đến tài khoản KBNN theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.
- Trường hợp chưa khấu trừ đủ số tiền theo quyết định cưỡng chế mà cá nhân bị cưỡng chế đã chấm dứt hợp đồng có hưởng lương hoặc thu nhập thì cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động phải thông báo ngay cho quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.
- Trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ của cơ quan có thẩm quyền thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 Khấu trừ tiền từ tài khoản
* Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản: Là tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
* Xác minh thông tin về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế
- Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật; trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế không có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản thì đề nghị người có thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin. Người được cung cấp thông tin có trách nhiệm bảo mật những thông tin được cung cấp.
- Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản về tên tổ chức tín dụng, nơi mở tài khoản của mình tại tổ chức tín dụng khi có yêu cầu.
* Tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế mở tài khoản có trách nhiệm:
- Cung cấp thông tin bằng văn bản về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hiện đang mở tài khoản tại tổ chức tín dụng của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.
- Giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức đó phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.
- Trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại KBNN số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp.
- Trường hợp trong tài khoản không còn số dư hoặc còn nhưng không đủ để khấu trừ thì tổ chức tín dụng sau khi khấu trừ số tiền hiện có phải thông báo bằng văn bản cho quan đã ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại tổ chức tín dụng biết để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản theo quy định tại Mục 3. 3 phần này.
- Nếu trong tài khoản của cá nhân, tổ chức còn số dư mà tổ chức tín dụng không thực hiện việc trích chuyển tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế khấu trừ của người có thẩm quyền thì tổ chức tín dụng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
* Thủ tục thu tiền khấu trừ
- Việc khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại tổ chức tín dụng của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế được thực hiện trên cơ sở các chứng từ thu theo quy định hiện hành. Chứng từ thu sử dụng để khấu trừ tiền lương hoặc thu nhập được gửi cho các bên có liên quan.
- Sau khi thu tiền, KBNN nơi nhận tiền khấu trừ có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.
Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá
* Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá:
- Cá nhân không được hưởng tiền lương, thu nhập hoặc bảo hiểm xã hội tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức và không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
- Tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.
* Những tài sản không được kê biên:
- Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú.
- Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.
- Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, người được giao chủ trì kê biên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế.
Nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không đề nghị cụ thể việc kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước.
Chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
quan tiến hành kê biên có trách nhiệm thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Việc kê biên tài sản phải được lập biên bản. Trong biên bản ghi rõ: thời gian, địa điểm tiến hành kê biên tài sản; họ tên, chức vụ người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế); mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm từng tài sản bị kê biên.
Người chủ trì thực hiện việc kê biên, người đại diện cho tổ chức bị kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ, người chứng kiến, đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế) ký tên vào biên bản. Biên bản kê biên tài sản có nhiều tờ thì phải ký vào từng tờ biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
Biên bản kê biên được lập thành 02 bản, cơ quan ra quyết định cưỡng chế giữ 01 bản, 01 bản giao cho cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị kê biên ngay sau khi hoàn thành việc lập biên bản.
* Giao bảo quản tài sản kê biên
Người chủ trì thực hiện việc kê biên lựa chọn một trong các hình thức sau đây để bảo quản tài sản kê biên:
  1. Giao cho người bị cưỡng chế, thân nhân của người bị cưỡng chế hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó bảo quản;
  2. Giao cho một trong những đồng sở hữu chung bảo quản nếu tài sản đó thuộc sở hữu chung;
  3. Giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản.
Đối với tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ thì tạm giao cho KBNN quản lý; đối với các tài sản như vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm thì tạm giao cho quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý. Khi giao bảo quản tài sản kê biên, người chủ trì thực hiện kê biên phải lập biên bản. Trong biên bản ghi rõ: thời gian bàn giao bảo quản; họ và tên người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người được giao bảo quản tài sản, người chứng kiến việc bàn giao; số lượng, tình trạng (chất lượng) tài sản; quyền và nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản. Người chủ trì thực hiện kê biên, người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến ký tên vào biên bản. Biên bản có nhiều tờ thì phải ký vào từng tờ biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
Biên bản được giao cho người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến và người chủ trì thực hiện việc kê biên mỗi người giữ 01 bản.
Người được giao bảo quản tài sản được thanh toán chi phí thực tế, hợp lý để bảo quản tài sản. Người được giao bảo quản tài sản gây hư hỏng, đánh tráo, làm mất hoặc hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
* Định giá tài sản kê biên
Việc định giá tài sản kê biên được tiến hành tại nhà của cá nhân hoặc trụ sở của tổ chức bị kê biên hoặc nơi lưu giữ tài sản bị kê biên, trừ trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá tài sản.
Tài sản đã kê biên được định giá theo sự thỏa thuận giữa người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế với đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung. Thời hạn để các bên thỏa thuận về giá không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá trị thì trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế thành lập Hội đồng định giá tài sản. Hội đồng định giá tài sản gồm có người đã ra quyết định cưỡng chế là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng định giá tài sản phải tiến hành việc định giá. Việc định giá tài sản dựa trên giá thị trường tại thời điểm định giá. Đối với tài sản mà Nhà nước thống nhất quản lý giá thì việc định giá dựa trên cơ sở giá tài sản do Nhà nước quy định.
Hội đồng định giá tài sản làm việc theo nguyên tắc tập thể. Cuộc họp định giá tài sản của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng triệu tập và phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng tham dự. Trong cuộc họp định giá, mỗi thành viên của Hội đồng định giá tài sản phát biểu ý kiến của mình về giá trị của tài sản. Các quyết định về giá tài sản phải được quá nửa số thành viên Hội đồng tán thành. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng hoặc người được ủy quyền điều hành cuộc họp định giá tài sản. Cá nhân bị kê biên hoặc đại diện tổ chức có tài sản bị kê biên được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định giá thuộc Hội đồng định giá tài sản.
Việc định giá tài sản phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm tiến hành định giá, thành phần những người tham gia định giá, tên và trị giá tài sản đã được định giá, chữ ký của các thành viên tham gia định giá và của chủ tài sản.
* Chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá
Đối với tài sản bị kê biên để bán đấu giá, giá khởi điểm được xác định theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản bị kê biên để bán đấu giá; trường hợp không ký được hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thì thành lập Hội đồng đấu giá tài sản.
Việc đấu giá tài sản bị kê biên được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Sau khi đã ký hợp đồng đấu giá tài sản, người chủ trì thực hiện kê biên tiến hành chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá. Việc chuyển giao phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ: thời gian bàn giao, người bàn giao, người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tài sản. Hồ sơ bàn giao tài sản kê biên cho quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: Quyết định cưỡng chế kê biên; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tài sản và biên bản bàn giao tài sản đó.
Trong trường hợp tài sản kê biên là hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá không có nơi cất giữ tài sản thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tài sản đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng bảo quản được thanh toán từ số tiền đấu giá tài sản thu được sau khi bán đấu giá.
Đối với tài sản thuộc sở hữu chung, khi bán đấu giá thì ưu tiên bán cho người đồng sở hữu trước. Trường hợp số tiền đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc cưỡng chế thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày bán đấu giá, cơ quan thi hành biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản bán đấu giá làm thủ tục trả lại phần chênh lệch cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.
* Chuyển giao quyền sở hữu tài sản
Người mua tài sản kê biên được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản đó.
quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ chuyển quyền sở hữu gồm có:
  1. Bản sao quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá;
  2. Biên bản đấu giá tài sản;
  3. Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản ( nếu có).
                     Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản
Bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm:Cung cấp cho quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thông tin về số tiền, tài sản đang giữ của đối tượng cưỡng chế khi có yêu cầu.
Khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, không được chuyển trả tiền, tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế cho đến khi thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc chuyển giao tài sản cho quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế để làm thủ tục bán đấu giá.
Trường hợp bên thứ ba không thực hiện được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc tẩu tán tiền, tài sản đang giữ của đối tượng bị cưỡng chế thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
* Tổ chức thi hành cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản:
Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế tự nguyện thi hành quyết định cưỡng chế thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.
Khi cưỡng chế để thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.
Việc cưỡng chế phải được lập thành biên bản. Trong biên bản ghi rõ: thời gian, địa điểm tổ chức cưỡng chế; cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đang giữ tiền, tài sản; đại diện chính quyền địa phương nơi tiến hành cưỡng chế, người chứng kiến; số tiền, tài sản và tình trạng tài sản bị thu.
Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế; cá nhân, đại diện tổ chức đang giữ tiền, tài sản; đại diện cơ quan ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Biên bản có nhiều tờ thì phải ký vào từng tờ biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cá nhân, đại diện tổ chức đang giữ tiền, tài sản cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.
 Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả
Khi nhận được quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp cưỡng chế đã ghi trong quyết định.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.
Khi thực hiện cưỡng chế để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.
Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.
Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.
Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy.
Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện VPHC đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật mà người bị cưỡng chế chưa thực hiện được ngay thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm a, b c khoản 2 Điều 86 Luật XLVPHC.
Việc thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả gây ra phải được lập biên bản và giao cho người bị cưỡng chế một bản. Trong biên bản ghi rõ: thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; kết quả thực hiện.
Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
 

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập85
  • Hôm nay18,177
  • Tháng hiện tại581,234
  • Tổng lượt truy cập10,065,314
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây