UBND TỈNH CHỈ ĐẠO CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Thứ hai - 22/11/2021 23:06 954 0
Ngày 16 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều nội dung chỉ đạo quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.
Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ), Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công văn số 5777/UBND-NC ngày 21/11/2021 yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức quán triệt nghiêm túc Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; báo cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) về hình thức, kết quả quán triệt, chỉ đạo thực hiện tại đơn vị, địa phương mình trước ngày 05/12/2021.
2. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác xây dựng pháp luật, cụ thể: Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 20/6/2021 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn hiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Công văn số 2468/UBND-NC ngày 02/6/2021 về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4472/UBND-NC ngày 17/9/2021 về chỉ đạo thực hiện Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2021.
3. Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; khi được giao tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này; đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải nắm rõ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời phải kiểm tra, rà soát thường xuyên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý.
Quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, làm đầu mối rà soát về trình tự, thủ tục, hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định và trước khi trình UBND tỉnh.
4. Tổ rà soát văn bản do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành (Quyết định số 2383/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh) phát huy vai trò kiểm soát văn bản theo nhiệm vụ được giao trước khi báo cáo thành viên UBND tỉnh xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp với các sở, ngành triển khai các hoạt động rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả rà soát của các sở, ngành và tổng hợp của Sở Tư pháp, thực hiện rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (trong tháng 12/2021) về tình hình tham mưu ban hành văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, hạn chế tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.
5. Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật trên địa bàn tỉnh (trong tháng 12/2021); khẩn trương hoàn thiện, phát hành cuốn “Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” (trong tháng 12/2021); tăng cường kiểm soát quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; có giải pháp gắn kết chặt chẽ công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật với công tác theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó đặt trọng tâm vào các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.
6. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về các điều kiện cần thiết để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Đàm Huân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay7,818
  • Tháng hiện tại228,849
  • Tổng lượt truy cập15,189,929
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây