GIẢI PHÁP CHO VIỆC XÂY DỰNG HUYỆN ĐỊNH HÓA ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT

Thứ hai - 22/11/2021 02:00 830 0
Theo kế hoạch của tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn 2021-2026 sẽ xây dựng huyện Định Hóa thành huyện đạt nông thôn mới, đây là cơ hội lớn cho Định Hóa có điều kiện phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn, tuy nhiên nhiệm vụ này cũng đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân huyện Định Hóa.
Để giúp huyện Định Hóa có thể đạt được mục tiêu này, vừa qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Định Hóa và các Sở, ban, ngành phụ trách các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu tất cả các ngành phụ trách các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần tổ chức làm việc cụ thể với các phòng, ban của huyện Định Hóa để rà soát, đánh giá thực trạng và xác định các giải pháp để đảm bảo tổ chức thực hiện được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với huyện Định Hóa về xây dựng huyện nông thôn mới
Đối với ngành Tư pháp, đơn vị phụ trách một phần công việc trong tiêu chí 18.5 - Tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật, qua xem xét thực tiễn triển khai tiêu chí này trên địa bàn huyện Định Hóa trong 4 năm qua có thể nhận thấy cơ bản Định Hóa có cơ sở để hoàn thành được tiêu chí này, tuy nhiên cũng còn một số vấn đặt ra đối với một số chỉ tiêu cần có giải pháp căn cơ hơn.
Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định: Đối với xã đạt chuẩn tiếp cận phải thực hiện đầy đủ 25 chỉ tiêu của 5 Tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật với số điểm đạt 90/100 điểm trở lên với xã loại I, 80/100 điểm trở lên với xã loại II và 70/100 điểm trở lên với xã loại III. Đối với cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đảm bảo 100% các xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Định Hóa về kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020 phần nội dung về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong năm 2020 đã có 18/23 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 5 xã chưa đạt bao gồm: Bảo Linh, Bình Yên, Đồng Thịnh, Định Biên và Phượng Tiến. Nguyên nhân của 5 xã chưa đạt là do Tổng số điểm các tiêu chí không đạt (Bảo Linh, Đồng Thịnh, Định Biên, Phượng Tiến); Hồ sơ không đủ tài liệu kiểm chứng theo quy định (Bình Yên).
Năm 2021, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khắc phục các tồn tại nêu trên và có giải pháp cụ thể để đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hiện đã thực hiện đánh giá đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2021 với kết quả: Kim Phương đạt 93/100 điểm; xã Bảo Cường đạt 91/100 điểm; xã Trung Lương đạt 92/100 điểm; xã Bộc Nhiêu đạt 89/100 điểm. Hội đồng thống nhất cả 04 xã đều đạt Chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND huyện ký ban hành Quyết định 6148/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 công nhận 04 xã (Kim Phượng, Bảo Cường, Trung Lương, Bộc Nhiêu) đạt Chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021. Trong tháng 01/2021 (thời điểm đánh giá theo quy định của Bộ Tư pháp) sẽ tiến hành đánh giá, chấm điểm về tiêu chí tiếp cận pháp luật đối với 19 xã, thị trấn còn lại đúng theo quy định của Bộ tư pháp và theo dự ước Định Hóa sẽ đảm bảo 100% các xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Như vậy điều kiện để huyện Định Hóa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là có cơ sở. Tuy nhiên, số điểm các xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ khônng thể đạt tối đa vì tất cả các xã đều không đạt được Chỉ tiêu số 9-Tiêu chí 3-đảm bảo kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Chỉ tiêu số 3-Tiêu chí số 4- hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, cụ thể theo báo cáo của UBND huyện Định Hóa về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021:
 Kinh phí cấp cho cấp xã thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là 282.914.000 đồng/22 xã, thị trấn, như vậy trung bình mỗi xã sẽ có khoảng 12.000.000đ/năm để chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, với số kinh phí như vậy nếu chỉ tổ chức hình thức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật thì chỉ có thể tổ chức được khoảng 6 hội nghị/năm/xã  tương đương với 6 thôn/xã và chỉ đủ chi kinh phí chi cho đại biểu không hưởng lương (50.000đ/người/hội nghị) và chưa có các khoản chi khác và không tổ chức được các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác (12 nhóm hình thức theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật ), chưa có kinh phí trang cấp tài liệu cho đại biểu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho tuyên truyền viên pháp luật, chi trả thù lao cho tuyên truyền viên pháp luật...
Kinh phí hỗ trợ cho công hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Thông tư số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/ 07/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán  kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, theo quy định này chi cho công tác hòa giải bao gồm 18 mục/3 nội dung chi, trong đó riêng nội dung chi hỗ trợ cho hòa giải viên và tổ hòa giải, bao gồm: a) Chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc; b) Chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải; c) Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải gồm: chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải. Theo báo cáo của huyện Định Hóa năm 2021 cấp xã được cấp 12.470.000 đồng, trong đó mới có 07 xã thực hiện hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, trong năm thụ lý giải quyết 180 vụ việc hòa giải ở cơ sở , như vậy kinh phí trên chỉ đủ để chi riêng mục chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc với mức 50.000đ/vụ (mức tối đã theo quy định là 200.000đ) còn các nội dung khác không có kinh phí thực hiện.
Từ thực tế nêu trên, để đảm bảo cho huyện Định Hóa xây dựng được 100% các xã , thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và huyện Định Hóa đạt huyện chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm 2022. Thiết nghĩ huyện Định Hóa cần triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc lãnh đạo và tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung triển khai các tiêu chí xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo thống nất nhận thức và trách nhiệm đối với công tác này từ cán bộ, đảng viên đến tứng người dân.
Thứ ba, Triển khai tập huấn chuyên sâu cho công chức cấp xã phụ trách các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật đống thời huy động sự hỗ trợ của cấp tỉnh về tài liệu, sách, tờ rơi và chuyên gia nghiệp vụ trong lĩnh vực xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ tư, cần tăng ngân sách cấp xã và cấp huyện cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở./.
 

Tác giả bài viết: Đình Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập94
  • Hôm nay22,529
  • Tháng hiện tại532,533
  • Tổng lượt truy cập10,664,677
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây