Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành tư pháp

Thứ ba - 14/12/2021 06:18 2.655 0

Hoạt động Công chứng tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên

Hoạt động Công chứng tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành tư pháp.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 2070/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của kế hoạch:

Theo kế hoạch, mục tiêu chung là bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng bộ, tạo đột phá trong quản lý, từng bước giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp. Đồng thời tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, bền vững. Bên cạnh đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao.

Mục tiêu cụ thể: chia làm hai giai đoạn:

Trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và đồng bộ, thống nhất, đảm bảo cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp.

Trong quá trình sắp xếp, đến năm 2025, phấn đấu giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu) và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ hàng năm theo lộ trình quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, phấn đấu đến hết năm 2025, có tối thiểu 20% số đơn vị tự chủ tài chính. Giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý Nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Đến năm 2030, giảm bình quân cả nước ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2025 và 15% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu so với giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Về quy hoạch cụ thể với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực công chứng:

Về quy hoạch cụ thể với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực công chứng, trong giai đoạn 2021-2025: Duy trì các Phòng công chứng tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và tại những nơi chưa có điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng; không thành lập mới Phòng công chứng đối với những nơi đã xã hội hóa được hoạt động này.

Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi hoạt động của các Phòng công chứng sang cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Các Phòng công chứng tăng dần mức độ tự chủ hàng năm theo lộ trình quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước so với giai đoạn 2016-2020; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021.

Riêng Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng thuộc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì và hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên.

Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục duy trì các Phòng công chứng hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ công chứng và đẩy mạnh mức độ tự chủ tài chính hàng năm.

Về quy hoạch cụ thể với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực đấu giá tài sản

Trong giai đoạn 2021-2025: Duy trì các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ đấu giá tài sản. Với những nơi chưa có điều kiện xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản thì duy trì các Trung tâm hiện có và không thành lập các Trung tâm mới.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động của các Trung tâm sang cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Các Trung tâm tăng dần mức độ tự chủ hàng năm theo lộ trình quy định Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước so với giai đoạn 2016-2020, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021.

Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục duy trì các Trung tâm hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ đấu giá tài sản và đẩy mạnh mức độ tự chủ tài chính hàng năm. Phấn đấu chỉ còn Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý Nhà nước.

Về quy hoạch cụ thể với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý

Riêng với lĩnh vực trợ giúp pháp lý, cho đến năm 2030, duy trì mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước để cung ứng dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm này được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch; chủ động xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền, phù hợp với thực tiễn và quy định của Quy hoạch; đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; đảm bảo kinh phí hoạt động và có cơ chế phân bổ số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thuỳ Linh-CC số 1

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập80
  • Hôm nay21,056
  • Tháng hiện tại573,222
  • Tổng lượt truy cập10,705,366
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây