Bộ Tư pháp: Tọa đàm lấy ý kiến thay thế Thông tư 04/2015/TTBTP

Thứ hai - 15/08/2022 03:12 596 0
Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Lấy ý kiến Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng”
Ngày 15/8/2022, tại Hà Nội, Cục Bổ Trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, công chứng viên đóng góp vào Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15/4/2015 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng. Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm. Tham gia buổi Tọa đàm có đại diện các Sở Tư pháp, Hội Công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng và các công chứng viên thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Về phía tỉnh Thái Nguyên tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Hội Công chứng viên, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Công chứng viên.
Ảnh: Ông Lê Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã góp ý kiến vào Dự thảo Tờ trình Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Dự thảo Thông tư kèm theo. Theo Báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp, sau hơn 06 năm triển khai thi hành Thông tư số 04/2015/TT-BTP, việc tập sự hành nghề công chứng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, số lượng người đăng ký tập sự hành nghề công chứng ngày càng tăng, chất lượng tập sự được nâng cao một bước đáng kể và công tác quản lý nhà nước về tập sự ngày càng được củng cố, tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc tập sự hành nghề công chứng còn một số điểm bất cập, hạn chế, vướng mắc mà nguyên nhân chủ yếu do quy định của Thông tư số 04/2015/TT-BTP còn những điểm chưa phù hợp: Một số quy định về người không được đăng ký tập sự và thời gian tập sự chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng ghi danh nhưng không tập sự trên thực tế; quy định về cách thức, thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá việc hoàn thành tập sự chưa rõ ràng, trách nhiệm từ chối hướng dẫn tập sự chưa cụ thể… dẫn đến một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đối với việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng thì quy định về nội dung, hình thức, thời gian tổ chức kiểm tra; điều kiện tham dự kiểm tra, quyền và nghĩa vụ của người đăng ký tham dự kiểm tra… cũng có những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để vừa bảo đảm sự chặt chẽ, nghiêm túc của việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự, vừa tạo điều kiện tốt nhất cho người tập sự trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Một số mẫu giấy tờ quy định trong Thông tư còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế tập sự hành nghề công chứng.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, bảo đảm việc thực hiện nghiêm quy định của pháp luật liên quan đến tập sự hành nghề công chứng; đồng thời vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính vừa đảm bảo chất lượng công tác quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BTP.
Dự thảo Thông tư bổ sung 3 Điều mới quy định về việc tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng và hoàn thành tập sự hành nghề công chứng, biểu mẫu kèm theo:
Tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng:
Để hướng dẫn cụ thể và chuẩn hóa quy định tại Điều 11 của Luật Công chứng về tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương vì Luật đã có quy định nhưng Thông tư 04/2015/TT-BTP hiện hành lại không có hướng dẫn, dự thảo Thông tư được bổ sung 01 điều quy định về vấn đề này. Theo đó, người đủ điều kiện tập sự hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng lựa chọn và thoả thuận với một tổ chức hành nghề công chứng về việc nhận tập sự. Trong trường hợp người đủ điều kiện tập sự đã liên hệ ít nhất là 03 tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự trong danh sách Sở Tư pháp công bố nhưng không được nhận vào tập sự thì gửi Giấy đề nghị Sở Tư pháp bố trí tập sự. Quy định này nhằm làm rõ trình tự tiếp nhận người tập sự theo khoản 1 Điều 11 của Luật Công chứng, mặt khác phát huy được tính chủ động của người tập sự, giảm bớt gánh nặng cho các Sở Tư pháp trong việc chỉ định tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự.
 Hoàn thành tập sự hành nghề công chứng:
Thông tư quy định rõ điều kiện công nhận hoàn thành tập sự hành nghề công chứng, trách nhiệm của Sở Tư pháp, hồ sơ cần nộp và thời hạn xem xét, quyết định việc hoàn thành tập sự. Việc quy định cụ thể về vấn đề này nhằm tránh cách hiểu cứ hết thời gian tập sự thì đương nhiên được coi là hoàn thành tập sự và làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc tập sự hành nghề công chứng.
Biểu mẫu kèm theo:
Để thuận lợi cho việc theo dõi, Thông tư bổ sung 01 điều về biểu mẫu kèm theo, trong đó liệt kê các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư.
 Các đại biểu tham gia Tọa đàm đã có nhiều ý kiến thảo luận về các nội dung của dự thảo, như: Quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng; Quy định về tạm ngừng tập sự hành nghề công chứng: Cần bổ sung trường hợp người tập sự tạm ngừng tập sự thì tổ chức hành nghề công chứng phải có báo cáo với Sở Tư pháp để biết, bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước. Về nội dung tập sự hành nghề công chứng đối với người có thời gian tập sự là 6 tháng thì công chứng viên hướng dẫn thống nhất với tổ chức hành nghề công chứng về thời lượng và nội dung tập sự phù hợp nhưng phải bảo đảm tất cả các kỹ năng hành nghề công chứng theo quy định. Dự thảo quy định người tập sự có nghĩa vụ đảm bảo thời gian tập sự ít nhất 04 giờ mỗi ngày làm việc của tổ chức hành nghề công chứng; trong khi theo quy định thì thời gian tập sự là 12 tháng hoặc 6 tháng tùy theo từng nhóm đối tượng; để thống nhất và thuận lợi cho các bên, có thể quy định theo hướng số giờ tập sự tối đa phải đạt được đối với trường hợp tập sự 12 tháng và trường hợp tập sự 6 tháng. Dự thảo cũng đặt ra một số hình thức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng mới. Theo đó, người tập sự phải thông qua hai bài kiểm tra theo một trong ba hình thức kiểm tra sau: Hình thức thứ nhất: kiểm tra viết và vấn đáp (như quy định hiện hành); Hình thức thứ hai: Kiểm tra viết và bài trắc nghiệm; Hình thức thứ ba: Kiểm tra viết. Trường hợp này, Bộ Tư pháp sẽ xác định hình thức đối với bài kiểm tra thứ hai và thông báo đến Sở Tư pháp. Tại buổi Tọa đàm, đa số ý kiến lựa chọn hình thức kiểm tra trắc nghiệm và kiểm tra viết...
Qua các ý kiến đóng góp và trao đổi sôi nổi của các đại biểu tham dự tại buổi Toạ đàm, Cục Bổ Trợ Tư pháp sẽ rà soát, tổng hợp, hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, đường lối mới của Đảng và Nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hoá, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thùy Linh- CC số 1

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay7,910
  • Tháng hiện tại228,941
  • Tổng lượt truy cập15,190,021
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây