Đ/c Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thăm và làm việc tại Sở Tư pháp
Bốn năm sau, ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 143/HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, theo đó quy định hệ thống tư pháp trong cả nước như sau: cấp Trung ương có Bộ Tư pháp; tiếp đó là Sở Tư pháp ở cấp tỉnh và Ban Tư pháp ở hai cấp (cấp huyện, cấp xã). Bên cạnh đó Nghị định còn quy định cụ thể ở các Bộ; các Uỷ ban Nhà nước và một số cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có vụ Pháp chế; các Sở chuyên môn, liên hiệp các xí nghiệp, tổng công ty, xí nghiệp có cố vấn pháp luật.
Triển khai Nghị định số 143/HĐBT, ngày 09/4/1982, UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) đã ban hành Quyết định số 87-QĐ/UB thành lập Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh có chức năng giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất công tác tư pháp trong toàn tỉnh, cụ thể là: xây dựng và thi hành các văn bản pháp quy; quản lý về mặt tổ chức các Tòa án nhân dân cấp huyện; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh về công tác tổ chức các Tòa án cấp huyện; quản lý công tác Tư pháp địa phương, như công chứng, giám định tư pháp, chấp hành án, hoạt động của các luật sư, hội thẩm nhân dân; thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật ở địa phương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc hệ thống Tư pháp và bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ ở địa phương; làm tư vấn cho UBND tỉnh về các mặt pháp lý.
Sau nhiều lần được kiện toàn, củng cố về tổ chức bộ máy, đến nay theo Quyết định số 71/QĐ-UB ngày 13/01/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên có 05 phòng chuyên môn (Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật; Phòng Bổ trợ và Hành chính Tư pháp) và 04 đơn vị trực thuộc Sở (Phòng Công chứng số 1; Phòng Công chứng số 2; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản), có chức năng và nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; công chứng; chứng thực; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; trọng tài thương mại; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; luật sư; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hòa giải ở cơ sở; bán đấu giá tài sản và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tư pháp được quan tâm củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tính đến thời điểm hiện tại; tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp là 74 người, trong đó có 72 người có trình độ đại học và trên đại học; 17 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 14 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Đảng bộ Sở Tư pháp có 05 Chi bộ trực thuộc với 53 đảng viên; có 01 tổ chức Công đoàn cơ sở, 01 Chi đoàn thanh niên, 01 Chi hội luật gia. Phòng Tư pháp được tổ chức ở 09 huyện, thành phố, thị xã với 36 công chức chuyên môn; 178 xã, phường, thị trấn đã bố trí được 260 công chức tư pháp - hộ tịch chuyên trách; toàn tỉnh có 2.337 tổ hoà giải với 16.379 hoà giải viên, hàng năm thụ lý và hoà giải thành hàng ngàn vụ việc mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ Nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân...
Nhìn lại quá trình 40 năm xây dựng và phát triển, vượt qua những khó khăn, thách thức của những năm đầu thành lập, ngành Tư pháp đã ngày càng trưởng thành về mọi mặt, thực sự trở thành yếu tố nội lực không thể thiếu tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vai trò đó được thể hiện rõ hơn trong những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, công tác Tư pháp của tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét: ngành Tư pháp là nhân tố chủ lực tham gia xây dựng và hoàn thiện các thể chế phát triển kinh tế - xã hội, là “người gác cổng” trong xây dựng chính sách, pháp luật, trực tiếp tham mưu giúp UBND tỉnh cũng như phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương xử lý, tháo gỡ các vấn đề khó, “nóng” của tỉnh; hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện trên nhiều lĩnh vực trọng tâm, kịp thời phát hiện những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; hoạt động PBGDPL, trợ giúp pháp lý thực sự là cầu nối đưa pháp luật đến với Nhân dân, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật làm cơ sở để chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các hoạt động bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp (luật sư, công chứng, chứng thực, giám định, thừa phát lại; hộ tịch; lý lịch tư pháp...) ngày càng được đẩy mạnh, thực hiện xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, công dân, cũng như yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính; hoạt động bán đấu giá tài sản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện ngày càng hiệu quả, góp phần giữ gìn nghiêm túc kỷ cương pháp luật, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật...
Những kết quả đạt được đã chứng minh sự lớn mạnh không ngừng của ngành Tư pháp. Điều đó thể hiện sức mạnh, trí tuệ tập thể và sự đoàn kết nhất trí cao của các đơn vị trong ngành, sự cố gắng nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ. Đặc biệt, trân trọng và tự hào với sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo đi trước như các đồng chí Giám đốc: Ma Văn Biên, Bế Văn Xuân, Dương Hữu Hồng, Nguyễn Mạnh Hùng, Đỗ Đức Trọng, Nguyễn Hùng Tráng, Vũ Duy Hiển; các đồng chí Phó Giám đốc: Hoàng Kim Long, Đỗ Đăng Kỳ, Nhữ Văn Tâm, Trần Trọng Non, Nguyễn Kim Nghiêm và nhiều đồng chí khác, những người đã trực tiếp đặt từng “viên gạch” để “nâng cao vị trí, vai trò công tác tư pháp trong đời sống xã hội, từng bước khẳng định vị thế của ngành”. Ghi nhận những đóng góp đó, Sở Tư pháp tỉnh tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc; các đơn vị, cá nhân của ngành cũng hăng hái thi đua và đều nhận được những phần thưởng xứng đáng, tự hào.
Trong giai đoạn mới, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đề ra nhiều mục tiêu lớn phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng tỉnh thành “một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội”, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra cho ngành Tư pháp ngày càng nhiều trọng trách hơn. Nhận thức được điều đó, ngành Tư pháp đã và đang đề ra các chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng sau:
- Tiếp tục tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền nhằm xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, khả thi, ổn định, minh bạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật; kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành, cũng như tiếp nhận phản hồi, phản biện của xã hội trong quá trình thi hành pháp luật, từ đó có biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thực thi pháp luật.
- Phát huy vai trò, hiệu quả công tác PBGDPL, nhất là đổi mới, đa dạng phương pháp, cách thức PBGDPL, đặt trọng tâm vào các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, đảm bảo các chính sách pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cánh hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện các thủ tục về hộ tịch, lý lịch tư pháp...
- Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp như: nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư, tư vấn pháp luật; củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp; tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng; phát huy hơn nữa vai trò của thừa phát lại; nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện các chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; từng bước triển khai có hiệu quả hình thức đấu giá trực tuyến.
- Rà soát, đánh giá, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức cơ quan tư pháp các cấp; quyết tâm xây dựng được đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp thực sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, xứng đáng với lời Bác Hồ dạy: “Cán bộ tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”.
- Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực của ngành. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thi đua, gắn thi đua với động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể tự giác tham gia phong trào, hướng phong trào thi đua vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tư pháp.
40 năm xây dựng và trưởng thành với những nỗ lực, cống hiến để được ghi nhận đã viết nên những trang sử của ngành; những khó khăn, thách thức trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ luôn được các thế hệ lãnh đạo và từng cá nhân biến chuyển thành động lực để phấn đấu, rèn luyện; tinh thần vượt khó, cầu thị tiến bộ, không ngừng học hỏi, tâm huyết, sáng tạo trong tham mưu đã khiến cho mỗi nhiệm vụ của ngành trở nên có sức lan tỏa sâu rộng hơn. Để đến hôm nay, ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã có chỗ đứng vững vàng, tâm thế tự tin, vai trò chủ động hơn khi tham mưu thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Tự hào với truyền thống vẻ vang của mình, toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp Thái Nguyên quyết tâm đổi mới, năng động, sáng tạo, đoàn kết vượt qua mọi thử thách, nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, HĐND-UBND tỉnh, Bộ Tư pháp và Nhân dân giao phó, cùng toàn tỉnh quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh./.