Cùng với sự phát triển của ngành Tư pháp Việt Nam, cách đây 40 năm, ngày 9/4/1982, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bộ Tư pháp, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng được xây dựng củng cố và trưởng thành, đến nay đã trải qua chặng đường 40 năm với nhiều thành tích đáng ghi nhận, vinh dự đóng góp vào lịch sử quá trình thành lập và phát triển của ngành Tư pháp Việt Nam.
Cán bộ, viên chức, người lao động Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên
Quá trình phát triển của ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cũng là quá trình ghi nhận sự phát triển và trưởng thành của các đơn vị trực thuộc Sở, trong đó có tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên. Ngày 10/10/1990 là một dấu ấn lịch sử với Phòng khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 11/QĐ-UB ngày 10/10/1990 về việc thành lập Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Những ngày đầu mới thành lập, còn nhiều bỡ ngỡ bởi nhiệm vụ được giao là khá mới mẻ và nặng nề, trong khi đội ngũ cán bộ công chức và cơ sở vật chất của Phòng còn rất thiếu thốn và nghèo nàn, chỉ có 3 cán bộ (trong đó có 02 công chứng viên). Tuy nhiên, tập thể cán bộ, công chức của Phòng đã phát huy tinh thần tự lực, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đoàn kết đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, vất vả của giai đoạn ban đầu để từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ, củng cố về biên chế, tổ chức và cơ sở vật chất.
Sau 32 năm trưởng thành và phát triển, Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên đã và đang ngày một phát triển lớn mạnh về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ. Về cơ cấu, tổ chức: từ những ngày đầu thành lập chỉ có 3 cán bộ thì đến nay, Phòng đã có 12 cán bộ, viên chức, người lao động trong đó 100% cán bộ, viên chức, người lao động có trình độ đại học trở lên, 01 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 02 đồng chí có trình độ trung cấp chính trị, 70% viên chức đã học qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng. Số lượng công chứng viên của Phòng hiện có là 4 người, nhiều nhất so với các tổ chức hành nghề công chứng trong tỉnh. Có thể nói lực lượng công chứng viên, viên chức, người lao động của Phòng đang dần được tăng về số lượng, chuẩn hóa về chuyên môn, trẻ hoá về độ tuổi, có phẩm chất chính trị vững vàng, bản lĩnh nghề nghiệp kiên định, luôn giữ vững quy tắc đạo đức hành nghề công chứng là tiền đề, điều kiện tiên quyết để Phòng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về chức năng, nhiệm vụ, với sự ra đời của Luật công chứng 2014, Phòng thực hiện chức năng, nhiệm vụ công chứng hợp đồng giao dịch, chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký và các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở phân công. Với khối lượng công việc ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước, đồng thời, với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như của tỉnh nhà, tính chất công việc công chứng cũng ngày càng phức tạp hơn, nhất là các giao dịch thương mại, dân sự liên quan đến chủ thể là doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, người nước ngoài đòi hỏi đội ngũ công chứng viên của Phòng phải liên tục, thường xuyên cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn để nâng cao trình độ nghiệp vụ và trau dồi bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có thể nói sau một quá trình phát triển, với sự nỗ lực không ngừng, Phòng đã vượt qua những khó khăn, vất vả và trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt. Từ khi mới thành lập, là đơn vị phụ thuộc hoàn toàn ngân sách nhà nước thì nay, Phòng là đơn vị tự chủ 100% về chi thường xuyên. Từ những giai đoạn đầu chưa xã hội hóa công chứng, đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh và trong phạm vi cả nước, Phòng đã giữ vững ổn định và thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, về tổ chức, và thực hiện nhiệm vụ, đổi mới phương thức phục vụ khách hàng, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, đảm bảo đời sống và thu nhập cho người lao động theo tinh thần Nghị quyết 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Từ ngày thành lập đến nay Phòng Công chứng đã thực hiện nhiều hợp đồng, giao dịch. Tính từ năm 2010 đến nay, Phòng đã chứng nhận hơn 90 nghìn lượt giao dịch; đã thu được hơn 26 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 10 tỷ đồng.
Cơ sở vật chất của phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên hiện nay khang trang, đẹp mắt, cấu trúc và bố trí khá khoa học và hợp lý. Với phương châm giải quyết hồ sơ công chứng nhanh chóng, đúng quy định, giảm bớt thời gian chờ đợi của người dân, Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên đã trang bị nhiều phương tiện hỗ trợ như: máy vi tính, máy Photocopy, máy in…để kịp thời phục vụ yêu cầu của công dân, tổ chức và thuận lợi cho công chứng viên trong quá trình tác nghiệp.
Bên cạnh đó, Phòng cũng tích cực tham gia vào quá trình cải cách thủ tục hành chính như mẫu hóa các hợp đồng giao dịch, phiếu yêu cầu công chứng, các loại tờ khai thừa kế…, xây dựng quy trình giải quyết các việc về công chứng theo cơ chế một cửa và niêm yết công khai quy trình này tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện trong việc liên hệ công tác, minh bạch hóa quá trình giải quyết công việc, tạo điều kiện để cơ quan quản lý cũng như người dân, tổ chức, doanh nghiệp giám sát, kiểm tra theo dõi quy trình giải quyết công việc của từng công chứng viên.
Công tác tư vấn pháp luật cho người dân và doanh nghiệp được Phòng rất chú trọng và được người dân, tổ chức, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại trên địa bàn đánh giá tốt. Lĩnh vực tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp bao gồm pháp luật về dân sự, thừa kế, về kinh doanh và giải quyết tranh chấp cũng như thủ tục xử lý tài sản thế chấp. Phòng coi đây là lĩnh vực quan trọng và là thế mạnh của đơn vị cần phát huy trong năm tới.
Trong quá trình 32 năm hoạt động, Phòng Công Chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, không ngừng hoàn thiện, phát triển và đạt được một số thành tích đáng ghi nhận. Cụ thể là: từ năm 2002 đến nay, Phòng liên tục được nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc; năm 2002, 2006, 2013, 2016 được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; năm 2013, 2017 được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh; năm 2020 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, Phòng đã vinh dự 02 lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã đạt thành tích xuất sắc liên tục trong 3 năm liền 2003 - 2005 và trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2015) và chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên (10/10/1990 – 10/10/2015).
Phòng Công chứng số 1 sinh hoạt chung với Phòng Công chứng số 2 tại Chi bộ 5, Đảng bộ Sở Tư pháp. Hàng năm, Chi bộ liên tục được được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Ngoài ra, Phòng còn hưởng ứng, thực hiện các hoạt động đoàn thể, từ thiện của cơ quan, góp phần vào thành tích chung của ngành Tư pháp như: Hội thao văn nghệ, thể thao kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp, giải thể thao của Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh.
Đạt được những thành tích kể trên, Phòng nhận thức sâu sắc là nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực xã hội hóa công chứng, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và Sở Tư pháp đối với công tác công chứng trên các lĩnh vực như cơ chế, chính sách, điều kiện cơ sở vật chất là thuận lợi cơ bản cho hoạt động công chứng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan tổ chức như ngân hàng, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan kho bạc, thuế.... trên địa bàn tỉnh cũng là điều kiện thuận lợi cho Phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
32 năm - một chặng đường ghi nhận những dấu ấn mới trong quá trình xây dựng, phát triển của Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên. Để nối tiếp truyền thống quý báu đó, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị nhận thấy cần cố gắng nhiều hơn nữa, phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại để xây dựng Phòng Công chứng số 1 tỉnh Thái Nguyên ngày càng vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng với sự tin tưởng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp cũng như của địa phương./.