Chính phủ ban hành Nghị quyết Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2022 (Nghị quyết số 13/NQ-CP).

Thứ sáu - 18/02/2022 03:58 405 0
Ngày 30/01/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2022.
Nghị quyết nhận định: Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống thể chế, chiến lược, quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Các bộ, ngành cần ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động xây dựng pháp luật, tập trung vào các hoạt động quan trọng như: tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của chính sách; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý, phản biện của các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; chủ động truyền thông chính sách từ khi đề xuất chính sách đến quá trình soạn thảo và ngay sau khi ban hành văn bản, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm; đánh giá đầy đủ tác động của các dự kiến chính sách đ bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Quyết nghị một số dự án luật
Chính phủ quyết nghị các nội dung liên quan đến một số dự án luật.
1. Về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
Chính phủ đã thảo luận và thống nhất đánh giá Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chính phủ thống nhất đổi tên dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) thành dự án Luật đường bộ và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tiếp tục tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và cá nhân; tăng cường hơn nữa truyền thông đến các đối tượng điều chỉnh để tạo sự đồng thuận cao; các chính sách cần có lập luận chặt chẽ, thuyết phục;
Để có đủ cơ sở xem xét bổ sung 02 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 02 dự án Luật theo các yêu cầu nêu trên, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 2 dự án Luật này.
2. Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:
Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ trì nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội khóa XIV và các bộ, ngành liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, thấu đáo để tạo được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng bị tác động để làm rõ hơn sự cần thiết xây dựng và ban hành luật; chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, khả thi, có tính thuyết phục cao với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn vững chắc; đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính thống nhất; trình Chính phủ xem xét, quyết định dự án Luật vào thời gian thích hợp.
3. Về Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi)
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân; hoàn thiện các chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các chính sách.
Bộ Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp đ tổng hợp, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, tháng 10 năm 2022.
4. Về Đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển thị trường bất động sản theo cơ chế thị trường; hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhằm giải quyết các bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự thảo.
Bộ Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng, Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, tháng 10 năm 2022.
5. Về Đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Tài nguyên nước để giải quyết các vướng mắc do quy định hiện hành về tài nguyên nước; cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện, thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước; có kế hoạch truyền thông tốt để tạo sự đồng thuận
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ và hoàn thiện các chính sách.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
6. Về Đề nghị xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi)
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Viễn thông nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung các chính sách mới để hoàn thiện, thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông và hạ tầng viễn thông, mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ và hoàn thiện các chính sách.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định trước khi gửi Bộ Tư pháp đ tổng hợp dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
7. Về Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc thực thi pháp luật hiện hành về công nghệ thông tin để thúc đẩy phát triển, sáng tạo và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ số, phát triển kinh tế số.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ và hoàn thiện các chính sách.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định trước khi gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023./.
 

Tác giả bài viết: Trần Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay18,563
  • Tháng hiện tại392,731
  • Tổng lượt truy cập10,524,875
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây