Đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bộ trợ tư pháp đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành: Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường,…..Học viện Tư pháp, lãnh đạo Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Ảnh: Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lương Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở: Nội vụ, Tài nguyên và môi trường, Lãnh đạo Hội Công chứng viên tỉnh Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo các tổ chức hành nghề công chứng: Phòng Công chứng số 1, Văn phòng Công chứng phía Nam Thành phố, Văn phòng Công chứng Trung Thành, Văn phòng Công chứng Bùi Hạ, Văn phòng Công chứng Dương Cúc, Văn phòng Công chứng Nam Thái.
Ảnh: Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên.
Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể , tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động công chứng và bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Công tác triển khai thực hiện Luật được Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, các địa phương trong toàn quốc quan tâm thực hiện. Việc rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật được Bộ Tư pháp thực hiện thường xuyên, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đến nay đã có 02 nghị định, 01 nghị quyết, 02 Quyết định của Thủ tướng, 05 thông tư của Bộ đã được ban hành.
Tổ chức và hoạt động công chứng được quan tâm và củng cố, kiện toàn phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 2.782 công chứng viên, trong đó có 383 công chứng viên của Phòng Công chứng và 2.399 công chứng viên của Văn phòng Công chứng (tăng so với thời điểm thực hiện Luật Công chứng 2006 là 2.157 người) và 1.151 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 Phòng Công chứng và 1.031 văn phòng công chứng (tăng so với thời diểm thực hiện Luật công chứng 2006 là 526 tổ chức, tăng gần gấp 2 lần). Trong 05 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc, chứng thực chữ ký, bản sao được gần 52 triệu việc, tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng. Cả nước đã có 47/63 địa phương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, công tác triển khai thi hành Luật Công chứng trong 5 năm qua đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả, nhất là việc xã hội hóa các hoạt động công chứng. Hiện nay, toàn tỉnh có 18 tổ chức hành nghề công chứng với 33 công chứng viên. Trong 05 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã công chứng được hơn 197.767 việc, chứng thực chữ ký, bản sao được gần 101.277 việc, tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 51.209.957.000 đồng; phí chứng thực thu được gần 1.048.853.000 đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 251.984.000 đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 10.781.291.000 đồng, là một trong những tỉnh có số lượng việc và mức thu phí công chứng đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Công tác quản lý nhà nước về công chứng được thường xuyên quan tâm thực hiện. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về mức trần thù lao công chứng, chứng thực, xây dựng bộ tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng, xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng…cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn, với Hội Công chứng viên tỉnh về công tác quản lý nhà nước về công chứng được chú trọng. Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 2 tập thể 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công chứng.
Ảnh: Đồng chí Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc nhân dịp tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác công chứng trong 5 năm vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng công chứng viên và nhân viên tổ chức hành nghề công chứng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở đô thị, việc phân bố các văn phòng công chứng chưa gắn với địa bàn dân cư, tập trung hầu hết ở những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội phát triển; chất lượng hoạt động hành nghề công chứng còn có những thiếu sót; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng còn chưa tương xứng với sự phát triển nghề công chứng; quy định pháp luật về công chứng còn nhiều bất cập, mâu thuẫn chồng chéo; phạm vi giao dịch các hoạt động công chứng còn quá hẹp, tiềm ẩn rủi ro lớn cho người dân khi giao kết các hợp đồng giao dịch không được công chứng….
Những hạn chế này đã làm giảm đáng kể hiệu quả hoạt động công chứng trong thời gian qua đồng thời cũng đặt ra yêu cầu kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về công chứng cho phù hợp với tình hình phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay và cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao kết quả hoạt động công chứng trong thời gian qua đã khẳng định rõ vai trò của công chúng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng ghi nhận những ý kiến phát biểu, tham luận với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, nêu lên những kiến nghị, đề xuất, nhất là những ý kiến cụ thể về giải pháp thực hiện tốt hơn nữa công tác công chứng cũng như xác định những định hướng lớn cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014.