Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động, trong đó 02 Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp (Phòng Công chứng số 1 có trụ sở tại TP Thái Nguyên; Phòng Công chứng số 2 có trụ sở tại TP Sông Công).
Chất lượng, quy mô và tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề công chứng, đội ngũ công chứng viên từng bước được nâng cao. Tại 18 tổ chức hành nghề công chứng hiện có 33 công chứng viên. Các công chứng viên đều được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học, có trình độ cử nhân Luật, đã tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu tại Học viện Tư pháp và được tập huấn, bồi dưỡng hằng năm; có phẩm chất chính trị, tinh thần đoàn kết, tận tụy với công việc. Đội ngũ này thường xuyên học tập và đào tạo chuyên sâu giúp tăng cường kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ khi thực hiện hoạt động công chứng, đảm bảo tổ chức và hoạt động hành nghề của công chứng viên đúng quy định của pháp luật.
Hoạt động công chứng của các tổ chức đã phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hợp đồng, giao dịch, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động công chứng tại Phòng Công chứng số 1- Sở Tư pháp Thái Nguyên
Trong năm 2021, 18 tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch 84.365 việc; chứng thực bản sao từ bản chính 57.187 việc, chứng thực chữ ký 5.396 việc, thu được tổng số phí là 21.614.377.554 đồng, nộp ngân sách nhà nước tổng số tiền 2.138.944.324 đồng.
Đặc biệt, để đổi mới trong quản lý hoạt động công chứng, chứng thực, Sở Tư pháp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số trong hoạt động công chứng. Từ tháng 12/2021, Sở Tư pháp đã xây dựng xong phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực, đang tập huấn, hướng dẫn cho các tổ chức hành nghề công chứng để sớm vận hành trong thời gian tới. Với áp dụng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, Sở Tư pháp dễ dàng quản lý, nắm được số lượng hợp đồng công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên đăng tải, cập nhật những thông tin ngăn chặn lên phần mềm để hạn chế sai sót trong hoạt động công chứng; kịp thời ngăn chặn các loại tài sản đang tranh chấp, liên quan đến công tác thi hành án dân sự, tránh xảy ra trường hợp một tài sản giao dịch nhiều lần được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng khác nhau…
Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chứng viên, định kỳ hằng năm, Sở Tư pháp và Hội Công chứng viên đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về công chứng, chứng thực, về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng. Tại các hội nghị, đại biểu tham gia thảo luận, được giải đáp các vướng mắc phát sinh trong hoạt động công chứng, chứng thực và cách thức vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm công chứng chứng thực. Qua đó, nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ về công chứng, chứng thực, từ đó, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch, các giấy tờ công chứng, chứng thực.
Hoạt động công chứng tại Phòng Công chứng số 1- Sở Tư pháp Thái Nguyên
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực công chứng đã được cơ quan chức năng quan tâm thực hiện thường xuyên. Hằng năm, Sở Tư pháp đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trong đó có nội dung về công chứng, mỗi đều có kế hoạch thanh, kiểm tra tổ chức hành nghề công chứng. Qua kiểm tra, kịp thời rút kinh nghiệm và chấn chỉnh khắc phục hạn chế, sai sót, từ đó nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện các việc công chứng, bảo đảm hoạt động công chứng đúng quy định của pháp luật.
Hoạt động của Hội Công chứng viên tỉnh Thái Nguyên được duy trì, củng cố, phát triển trong suốt nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần là cánh tay nối dài của Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng. Đây cũng là ngôi nhà chung bảo về quyền lợi của Hội viên là các công chứng viên hành nghề trên địa bàn tỉnh, thực hiện công tác giám sát việc chấp hành pháp luật công chứng và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng của hội viên. Tháng 12/2021 vừa qua, Hội Công chứng viên tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện Đại hội khóa II, nhiệm kỳ 2021-2024 bầu ra Ban Chấp hành mới để lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Đại hội trong nhiệm kỳ 2021-2024.
Đại hội Hội Công chứng viên tỉnh Thái Nguyên khóa II nhiệm kỳ (2021 -2024)
Có thể nói, hoạt động công chứng ngày càng đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh ổn định, các yêu cầu về công chứng hợp đồng, giao dịch được tiếp nhận và giải quyết nhanh gọn, đúng thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Hoạt động công chứng thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Theo báo cáo của các tổ chức hành nghề công chứng, một số tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ, số lượng công chứng viên chưa nhiều, số lượng việc và số phí thu được còn ít; chưa có chính sách hỗ trợ đối với việc thành lập những tổ chức hành nghề công chứng ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa nên một số tổ chức chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho hoạt động công chứng; chất lượng của đội ngũ công chứng viên tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các tổ chức hành nghề công chứng.
Trong thời gian tới, các tổ chức hành nghề công chứng tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Công chứng và quán triệt tinh thần Nghị quyết 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Mục tiêu là tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động công chứng nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu công chứng, chứng thực của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó định hướng phát triển các Văn phòng công chứng tại các địa phương chưa có tổ chức hành nghề công chứng hoạt động. Tiếp tục duy trì các phòng Công chứng thuộc Sở Tư pháp giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Đồng thời phát triển đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về công chứng, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn phù hợp yêu cầu thực tiễn. Phát huy những tiềm năng to lớn của xã hội vào phát triển hệ thống công chứng, phục vụ một cách thuận tiện các nhu cầu công chứng của Nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong quản lý hoạt động công chứng, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về công chứng./.