Truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thứ ba - 19/04/2022 04:05 661 0
Trong đời sống xã hội hiện nay, truyền thông ngày càng thể hiện vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Các phương tiện truyền thông của cơ quan nhà nước là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, một mặt là công cụ đắc lực của Đảng trong việc thông tin nhanh chóng, kịp thời mọi chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân mặt khác là nơi đón nhận những nguồn thông tin sống động, những phản hồi về mọi mặt từ phía Nhân dân cho các kênh thông tin này. Điều đó cho thấy vai trò hết sức quan trọng của các phương tiện truyền thông trong việc tạo lập và thể hiện dư luận xã hội.
Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta trong thời gian qua, truyền thông đã đóng vai trò tích cực vào quá trình hoạch định, xây dựng dự thảo, hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật. Trong quá trình xây dựng pháp luật, một số dự thảo văn bản có nội dung chính sách quan trọng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo đẩy mạnh việc tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông định hướng, dẫn dắt dự thảo chính sách, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách được đông đảo người dân, dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng, tính khả thi của văn bản.
Tuy nhiên, một số VBQPPL sau khi thông qua, ban hành chưa đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội. Tỷ lệ người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn thấp, chất lượng ý kiến góp ý chưa cao. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạch định, xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật ở nước ta hiện nay.
Để nâng cao chất lượng và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với những quy định pháp luật được ban hành cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước, trên cơ sở nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”. Đề án được thực hiện trong phạm vi cả nước.
Trong phạm vi Đề án, những dự thảo chính sách có đủ những tiêu chí sau là đối tượng của hoạt động truyền thông chính sách:
a) Là những chính sách được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi tiến hành soạn thảo. Ví dụ: Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên và biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương theo quy định tại khoản 1, 2, 3 điều 27 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, hoặc Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ( theo khoản 4 điều 27 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015);
b) Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp;
c) Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách;
d) Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với những dự thảo chính sách đáp ứng đủ tiêu chí trên, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động để đăng tài trên Công/trang thông tin điện tử; Nội dung truyển thông  dự thảo chính sách bao gồm các vấn đề chủ yếu: Sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách; nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau….
Về hình thức triển khai: căn cứ vào điều kiện thực tiễn và đối tượng, địa bàn cụ thể, cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo dự thảo phối hợp với cơ quan thông tin, báo chí trung ương, địa phương linh hoạt lựa chọn hình thức phù hợp. Có thể truyền thông về dự thảo chính sách trên cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương, địa phương ( báo, đài,…) thông qua các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút khán giả; Xây dựng đăng tải tài liệu truyền thông phù hợp để cung cấp cho các đối tượng với địa bàn phù hợp; tổ chức hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, họp báo…; có thể thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, niêm yết bản tin ở khu dân cư, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa cơ sở….; tổ chức truyền thông qua ứng dụng phần mềm về phổ biến giáo dục pháp luật, cổng thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật; mạng xã hội và các hình thức truyền thông phù hợp khác;
Ngoài những dự thảo chính sách trên, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có thể chủ động thực hiện việc truyền thông các chính sách do mình tham mưu xây dựng hoặc trực tiếp ban hành.
Ở địa phương, Đề án phân công nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hàng năm, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và điều kiện thực tiễn, chủ động ban hành kế hoạch thực hiện Đề án và bố trí kinh phí triển khai Đề án tại địa phương; giao Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cùng cấp chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai hoạt động truyền thông chính sách tại địa phương. Định kỳ hàng năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Đề án gửi Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ ( nội dung báo cáo lồng ghép trong báo cáo công tác tư pháp hàng năm theo quy định).
Đề án cũng giao nhiệm vụ cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, hàng năm, căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật trung ương; chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương và yêu cầu thực tiễn, chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện Đề án tại địa phương mình.
Đề án được thực hiện trong phạm vi toàn quốc giai đoạn 2022-2027, hướng tới mục tiêu cụ thể từ năm 2023, 100% chính sách tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được kỳ vọng sẽ thực hiện tốt chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác thực thi pháp luật, tạo cơ chế điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật./.

Tác giả bài viết: Lương Hữu Phước (Phó Giám đốc Sở Tư pháp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay7,306
  • Tháng hiện tại228,337
  • Tổng lượt truy cập15,189,417
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây