ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN VIỆC THỐNG KÊ SỐ LIỆU KHÔNG ĐẦY ĐỦ TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Chủ nhật - 02/07/2023 23:55 316 0
Trong những năm gân đây công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến rất quan trọng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời đảm bảo đưa luật vào đời sống thực tế của địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức quán triệt, phổ biến và thực hiện các quy định của Luật PBGDPL, việc tổ chức triển khai Luật cơ bản có được những thuận lợi và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Qua 10 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL có thể nhận thấy nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều cấp uỷ, chính quyền đã nhận thức đầy đủ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các Đoàn thể và các Doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện. Đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm đều được củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ thường xuyên nên chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Đặc biệt trình độ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ở nhiều cơ quan, tổ chức và địa phương được đã có chuyển biến rõ nét; các hành vi vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật giảm dần, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, chính trị của tỉnh.
Tuy nhiên từ thực tiễn quản lý Nhà nước về công tác PBGDPL cũng cho thấy kết quả triển khai thi hành Luật PBGDPL đến nay vẫn chưa phản ánh đầy đủ, chính xác thực tiễn thi hành luật, do vậy kết quả thực hiện trong hơn 10 năm thi hành luật mới chỉ phản ánh được một phần của thực tiễn mà các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai mà một trong các nguyên cơ bản dẫn đến thực trạng này là do công tác thống kê về lĩnh vực PBGDPL chưa được triển khai đầy đủ.
Minh chứng đầu tiên cho thực trạng này đó là các báo cáo của một số cơ quan, đơn vị tổ chức, địa phương, đặc biệt là ở cấp xã mới chỉ thống kê số liệu về hình thức phổ biến pháp luật thông qua việc tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật còn các hình thức khác theo quy định tại Điều 11 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn những cơ quan chưa quan tâm thống kê nhưng qua công tác kiểm tra của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh hàng năm nhận thấy nhiều cơ quan đã triển khai trên thực tế ví dụ ở cấp tỉnh hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Trang thông tin điện tử, nhiều cơ quan đã cập nhật hệ thống văn bản pháp luật của ngành để nhân dân và cán bộ truy cập cũng như đăng nhiều tin, bài giới thiệu về văn bản pháp luật, hoạt động thực thi pháp luật nhưng không thống kê số lượng văn bản cập nhật, số lượt người truy cập…ở cấp huyện và cấp xã hàng năm các tổ chức, đoàn thể đều tổ chức truyền thông chính sách pháp luật, tổ chức tuyên truyền thông qua Đài phát thanh-Truyền hình, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết văn bản pháp luật tại các bản tin, trạm tin…nhưng lại không nhận thức được đây là một trong các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Đến nay nhiều cơ quan đơn vị, địa phương đều chưa thống kê hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và cũng cho rằng đây không phải là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật… Chính vì việc thống kê không đúng, đủ hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã triển khai dẫn đến số liệu thống kê về nội dung các văn bản được phổ biến, giáo dục pháp luật, số lượng đối tượng được thụ hưởng quyền tiếp cận thông tin từ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và kinh phí chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng chưa phản ánh đúng thực tiễn.

Một lớp tập huấn nghiệp vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật tại huyện Đồng Hỷ-Đơn vị có nhiều hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật
Theo quy định tại Điều 11 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật thì các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm 08 nhóm hình thức cụ thể là: 1. Họp báo, thông cáo báo chí; 2. Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; 3. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư; 4. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; 5. Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; 6. Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; 7. Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; 8. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.
Trên cơ sở quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh khi ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật đều yêu cầu cụ thể các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổ chức phổ biến nội dung văn bản pháp luật nào, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng những hình thức nào, đối tượng được phổ biến là ai theo đó Sở Tư pháp-cơ quan thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai và cuối năm khi yêu cầu các đơn vị báo cáo đều xây dựng đề cương chi tiết về nội dung, hình thức, kinh phí, đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải thống kê báo cáo, cùng với đó hàng năm Sở Tư pháp đều tổ chức tập huấn 10 lớp(1 lớp cấp tỉnh và 09 lớp tại các huỵen, thành phố) trong đó luôn luôn đề cập tới việc hướng dẫn thống kê, báo cáo, cùng với các biện pháp đó trong các chương trình kiểm tra hàng năm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đều kiến nghị các đơn vị được kiểm tra quan tâm công tác thống kê các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với hướng dẫn trực tiếp cụ thể nhưng tình trạng thống kê không đầy đủ vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn. Vậy nguyên nhân ở đâu dẫn đến tình trạng trên?
      Theo phản ánh từ cơ sở thì nguyên nhân đầu tiên đó là một số đơn vị ở cấp huyện hoạt động phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục mới chỉ được thực hiện chặt chẽ trong khuôn khổ các cơ quan là thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật nên việc cung cấp số liệu chưa thực hiện được đầy đủ đối với các cơ quan khác, ở cấp xã không có Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, nên việc yêu cầu các đơn vị cung cấp số liệu thống kê đều không có sự tự nguyện tự giác mà hầu như công chức Hộ tịch-Tư pháp ở các đơn vị đều phải vác sổ đi xin số liệu của từng đơn vị, do đó số liệu được thống kê đầy đủ chỉ có thể có được ở những đơn vị mà công chức Tư pháp-Hộ tịch có trách nhiệm cũng như có sự hợp tác trách nhiệm của những công chức, cán bộ của các ngành khác.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn nhiều cán bộ, công chức vẫn còn nhận thức nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật là của ngành Tư pháp đây chính là tình trạng chưa nhận thức đúng, đủ quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đó là “Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt” cũng như chưa nhận thức đầy đủ tinh thần Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 15/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phố biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đó là “Các Ban của Đảng, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, đoàn thể, có trách nhiệm triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các văn bản pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, hội viên tổ chức mình và các đơn vị trong hệ thống tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương cần bố trí một khoản kinh phí cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân”.
Một nguyên nhân nữa xuất phát từ công tác cán bộ đó là ở cấp tỉnh không có công chức chuyên trách pháp chế, ở cấp huyện vẫn còn một số phòng Tư pháp chỉ có 02 công chức, ở cấp xã vẫn còn nhiều đơn vị cấp xã mới chỉ có 01 công chức Tư pháp-Hộ tịch trong khi đó ở các đơn vị cấp xã có 02 công chức Tư pháp-Hộ tịch thì riêng 01 biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa do đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tham mưu quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mà trực tiếp là công tác thống kê báo cáo về công tác này.
Cùng với các nguyên nhân nêu trên cũng không thể phủ nhận nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của cấp uỷ, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bởi lẽ qua thực tiễn tham gia công tác thẩm định kết quả xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác kiểm tra của ngành Tư pháp và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh cho thấy hầu hết các đơn vị đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn nâng cao, nông thôn kiểu mẫu thì kinh phí đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có mức tăng đáng kể so với trước đó, bên cạnh đó một số ý kiến từ cơ sở cũng cho thấy một số cấp uỷ, chính quyền địa phương ở cấp xã do phải tập trung đầu tư phát triển kinh tế nên chưa thực sự dành nhiều thời gian quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên đương nhiên sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thống kê trong hoạt động này còn hạn chế.
Từ các thực trạng và các nguyên nhân cơ bản nêu trên, trong khuôn khổ bài viết này tác giả nghĩ rằng để đảm bảo cho sự đánh giá chính xác về công tác phổ biến giáo dục pháp luật để có thể có những giải pháp, định hướng đúng cho công tác này trong thời gian tới, hy vọng các cơ quan, đơn vị địa phương sẽ có giải pháp cụ thể và dành sự quan tâm thích đáng cho hoạt động thống kê trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị, địa phương./.

 

Tác giả bài viết: Đình Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây