TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Thứ hai - 17/07/2023 05:25 294 0
Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác (khoản 5 Điều 4 Luật trẻ em)
Trong thời gian gần đây, tại Việt Nam, những vụ việc xâm hại/bạo lực trẻ em đã xảy ra không chỉ gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, mà còn là “hồi chuông” cảnh báo về vấn đề tạo môi trường phát triển thân thiện và bảo vệ trẻ em bị tổn thương.
Theo Báo Nhân dân điện tử số ra ngày 11/7/2023 có đăng bài của các tác giả Ninh Cơ và Nguyên Nhi cho biết “theo Báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một trong các thành viên Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho thấy, trong quý I/2022, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202 nghìn cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 trường hợp, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021”.
Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trong ba tháng đầu năm, cả nước có 147 trẻ em bị xâm hại tăng 30 em so với quý I/2021, trong đó là các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi…
Với tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ số, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng cũng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi cùng nhiều hình thức cực kỳ nguy hiểm. Do đó hơn bao giờ hết cùng với việc tăng cường tuyên truyền về Luật trẻ em, Luật an ninh mạng, Luật hành chính, Bộ luật hình sự, tăng cường tuyên truyền về cách phòng tránh xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng như tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và thực thi các giải pháp về kinh tế, giáo dục, xã hội tạo môi trường sồng tốt nhất cho trẻ em thì một vấn đề quan trọng là chúng ta cần tăng cường phổ biến, trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được quy định tại Điều 54 Luật trẻ em và được quy định cụ thể thành 1 Chương riêng của  Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em  (từ Điều 33 đến Điều 37).
Theo đó, các thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em cần phải được bảo vệ đó là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
Bên cạnh đó Nghị định này cũng quy định rõ trách nhiệm truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình đó là: 
Thứ nhất: Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông; về giáo dục, đào tạo; về giáo dục nghề nghiệp; về trẻ em; các tổ chức hoạt động vì trẻ em; tổ chức hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, trẻ em và cơ quan, tổ chức có liên quan về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em; về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các lĩnh vực có liên quan.
Thứ hai: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Thứ ba: Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cùng với quy định trên, Nghị định này còn quy định các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạn. Cụ thể: 
Thứ nhất: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Thứ hai: Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.
Thứ ba: Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Thứ tư: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng phải có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử.
Thứ năm: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, các công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Không chỉ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng Nghị định này còn quy định các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng( Điều 36), bao gồm 3 nhóm biện pháp đó là:
1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
3. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Cùng với các biện pháp phòng ngừa nêu trên, Nghị định này cũng quy định rõ các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, bao gồm 2 nhóm biện pháp đó là:
1. Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.
2. Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Hy vọng rằng tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đặc biệt là các gia đình sẽ tiếp cận được các thông tin trong bài viết này và cùng nhau chia sẻ, cùng nhau thực hiện, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình khác để có thể chung tay bảo vệ trẻ em thoát khỏi những nguy cơ bị xam hại trên môi trường mạng./.
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ, bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111   https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:  Tongdai111.vn

 





 

Tác giả bài viết: Đình Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay12,875
  • Tháng hiện tại36,407
  • Tổng lượt truy cập15,304,347
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây