Một số nội dung mới cơ bản của Luật Thanh tra năm 2022

Chủ nhật - 11/06/2023 20:57 620 0
Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 có 8 Chương và 118 Điều với những điểm mới cơ bản sau đây:
1. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành
Đây được xem là điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra 2022. Luật Thanh tra năm 2010 không quy định Thanh tra Tổng cục, Cục mà chỉ quy định Thanh tra chuyên ngành. Luật năm 2022 đã đưa quy định Thanh tra Tổng Cục, Cục từ Nghị định do Chính phủ ban hành vào trong Luật do Quốc hội ban hành nhằm thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan Thanh tra. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
2. UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở:
UBND cấp tỉnh đã được giao quyền chủ động thành lập thanh tra sở (trước kia thực hiện theo sự ủy quyền) nhưng việc thành lập phải căn cứ theo luật định, cụ thể tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra 2022. Thanh tra sở được thành lập trong 03 trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; tại Sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại Sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.
Như vậy, không phải tất cả các Sở đều thành lập cơ quan Thanh tra. Tại những Sở không thành lập cơ quan Thanh tra, Giám đốc Sở giao đơn vị thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ Thanh tra chuyên ngành với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các Sở không thành lập cơ quan Thanh tra. Còn đối với quy định hiện hành, thì  thanh tra sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Tại khoản 1 Điều 116 Luật Thanh tra 2022 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến thanh tra, cụ thể:
1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 54/2014/QH13, Luật số 18/2017/QH14 và Luật số 67/2020/QH14 như sau:
a) Bổ sung cụm từ “Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục khác thuộc Bộ và tương đương;” vào sau cụm từ “Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;” tại đoạn mở đầu khoản 2;
b) Bổ sung cụm từ “Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh,” vào trước cụm từ “Cục trưởng Cục Thống kê,” tại đoạn mở đầu khoản 3.
Như vậy, Chánh Thanh tra tỉnh được bổ sung là một trong những chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.    
4. Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra tại Luật Thanh tra 2022
Đây là điểm mới để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Theo khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra 2022, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Tại Luật Thanh tra 2010, chưa có quy định cụ thể về thời gian ban hành kết luận thanh tra mà chỉ nêu thời hạn công khai kết luận thanh tra trong 10 ngày (Điều 39 Luật Thanh tra 2010).
5. Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra
Đối với quy định hiện hành, tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên bao gồm thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung được quy định tại Điều 32 Luật Thanh tra 2010 còn phải tuân theo các Điều 6, 7 và 8 Nghị định 97/2011/NĐ-CP tương ứng với từng ngạch.
Đối với Luật Thanh tra 2022, tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39). Các ngạch còn lại (thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp) còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng như: thời gian giữ ngạch, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ… (Điều 40 và Điều 41).

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra 2022 cũng đã bỏ quy định cộng tác viên thanh tra (quy định tại Điều 35 Luật Thanh tra năm 2010).
6. Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên
Theo khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra 2022, việc miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện trong trường hợp sau đây:
- Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành;
- Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022;
- Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm;
- Người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
         

7. Hoạt động thanh tra
Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra gồm: chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp với nội dung công việc khá cụ thể và đầy đủ. Một số quy định trước đây về hoạt động thanh tra trong các văn bản dưới luật, qua thực tiễn áp dụng có hiệu quả đã được nâng lên thành quy định của luật để nâng cao hiệu lực cũng như tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng và đảm bảo tính khả thi của các Kết luận thanh tra, Luật Thanh tra 2022 quy định rõ về việc thẩm định Kết luận thanh tra là thủ tục bắt buộc đối với dự thảo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh; đối với dự thảo Kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết (Điều 77).
   8. Về việc ban hành Kết luận thanh tra
Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, cụ thể Luật quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định (khoản 1 Điều 78).
Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.
Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.
Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra để phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh là cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.

9. Phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra
Tại Chương VI Luật Thanh tra 2022, đã có sự quy định về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Cụ thể, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước. Điểm mới này giúp xử lý các trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp từ các khâu, các giai đoạn có mối quan hệ với nhau giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra.
Đồng thời để xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra 2022 quy định nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp ngay từ khâu lập kế hoạch: kế hoạch thanh tra được tập trung về các đầu mối theo hướng mỗi Bộ có một kế hoạch thanh tra chung của Bộ (gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ và kế hoạch thanh tra của Tổng cục, cục thuộc Bộ); mỗi tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra chung của tỉnh (gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở và kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện).
 10. Nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra
Việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là một trong những nội dung mới của Luật nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ luật, kỷ cương đối với người tiến hành thanh tra. Điều 98 Luật Thanh tra 2022 quy định nội dung giám sát cụ thể như sau:
 - Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.
- Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo.
- Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.
11. Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra
Tại Luật Thanh tra 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại một chương cụ thể (Chương VI) với 10 Điều luật liên quan. Hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, chế định thanh tra nhân dân đã được tách ra khỏi Luật Thanh tra năm 2022 và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Vân Anh - Chánh Thanh tra Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây