Nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh

Thứ tư - 24/05/2023 06:09 487 0
Ngày 20/4/2023 Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chất lượng công tác tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, cũng như kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức doanh nghiệp và người dân. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh chuyển đổi số và thu hút đầu tư vào tỉnh.Tuy nhiên, một số sở, ban, ngành, địa phương còn thiếu chủ động trong nghiên cứu giải quyết, tham mưu, đề xuất các nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ quy định; một số nội dung tham mưu còn chậm, chất lượng tham mưu chưa cao, còn có nội dung tham mưu chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật, quy chế làm việc và tình hình thực tế.
Để khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế nêu trên, chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
1. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc giải quyết, tham mưu, triển khai các nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; đồng thời chủ động cập nhật, nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến ngành, lĩnh vực để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương đảm bảo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền theo Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Quy chế làm việc của UBND tỉnh. Kịp thời tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý, khắc phục những bất cập, chồng chéo tại các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là giữa quy định của tỉnh với quy định của Trung ương (nếu có) để đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, đúng quy định; chủ động giải quyết các ý kiến, kiến nghị của tổ chức, cá nhân ngay từ cơ sở; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết trong trường hợp vượt quá thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung tham mưu, các số liệu, tài liệu phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, đúng quy định và quy chế làm việc.
2. Về việc chuẩn bị các đề án, chương trình, tờ trình, báo cáo:
- Đối với nội dung các đề án, chương trình, tờ trình, báo cáo do các ngành, địa phương tham mưu trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, cần lưu ý nội dung lấy ý kiến các cơ quan liên quan theo đúng quy định.
Các cơ quan được lấy ý kiến phải khẳng định bằng văn bản quan điểm đồng ý hay không đồng ý. Trường hợp không đồng ý hoặc có ý kiến khác thì cơ quan chủ trì phải phối hợp ngay với các đơn vị để bổ sung, làm rõ các nội dung liên quan, thống nhất hoàn thiện nội dung trình theo đúng quy định.
- Đối với dự thảo chương trình, đề án, tờ trình, báo cáo tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh có dung lượng thông tin từ 10 trang A4 trở lên phải có thêm báo cáo tóm tắt nội dung trình của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó thể hiện ngắn gọn, đầy đủ những nội dung sau:
+ Căn cứ, cơ sở xây dựng đề án, báo cáo (căn cứ chính trị, pháp lý, sự cần thiết).
+ Quá trình xây dựng đề án, báo cáo.
+ Các nội dung chính của đề án, báo cáo; trong đó, nêu rõ kết quả đạt được khi đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách, đề án đã ban hành (nếu có); ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; những điểm mới, khác so với báo cáo trước, phương hướng, giải pháp thời gian tới (nếu có).
+ Ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan và việc tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì; những vấn đề có ý kiến khác nhau (nếu có); kiến nghị, đề xuất.
+ Nêu rõ những vấn đề cần xin ý kiến.
3. Đối với báo cáo, tài liệu phục vụ phiên họp Chính phủ và các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ:
- Cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu có trách nhiệm chuẩn bị kỹ nội dung đảm bảo chất lượng theo đúng quy định, dự thảo nội dung phát biểu của Lãnh đạo tỉnh. Nội dung báo cáo, tài liệu tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phải gửi kèm theo văn bản điện tử để cập nhật lên Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật.
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành có trách nhiệm bám sát Chương trình công tác của các Bộ, cơ quan ngang bộ (theo chức năng ngành dọc) để chủ động báo cáo, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung liên quan, bảo đảm chất lượng, kịp thời, đúng tiến độ theo quy định.
4. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nắm chắc tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao (gồm cả những công việc đã phân công cho cấp phó), đảm bảo sự thống nhất trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.
- Văn bản tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phải nêu đầy đủ căn cứ, cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành (nêu rõ thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh) theo quy định pháp luật và Quy chế làm việc, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật áp dụng và nội dung chỉ đạo có liên quan; nội dung tham mưu phải cụ thể và khẳng định rõ quan điểm tham mưu của ngành, địa phương, cụ thể như sau:
+ Văn bản tham mưu phải có câu khẳng định “Nội dung tham mưu đầy đủ cơ sở pháp lý theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền và đủ điều kiện để ban hành theo quy định của pháp luật và quy chế làm việc; Thủ trưởng cơ quan trình chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh/Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về nội dung tham mưu”.
+ Văn bản tham mưu phải tuân thủ đúng thể thức, trình tự, tiến độ thời gian đồng thời xây dựng dự thảo văn bản của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh gửi kèm theo (đối với trường hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản) và phải có chữ ký duyệt của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị vào các trang bản dự thảo.
- Trường hợp nội dung tham mưu liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thì hồ sơ tham mưu phải có biên bản họp liên ngành hoặc văn bản tham gia ý kiến của các đơn vị liên quan kèm theo, trong đó thể hiện sự trao đổi, thống nhất và quan điểm tham mưu của đơn vị chủ trì, biên bản họp phải có đầy đủ chữ ký của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo thành phần tham gia dự họp.
- Hồ sơ tham mưu của cơ quan, đơn vị, địa phương phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu kèm theo, được sắp xếp khoa học, theo trình tự, có danh mục hồ sơ đính kèm. Đối với hồ sơ tham mưu có nội dung mật thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; đối với hồ sơ tham mưu có nội dung quy phạm pháp luật phải thống nhất với Sở Tư pháp và thực hiện đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Không tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với nội dung không đúng thẩm quyền, không phù hợp quy định của pháp luật; nội dung chưa đầy đủ ý kiến của các sở, ngành, đơn vị có liên quan hoặc nội dung còn chưa thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị; các nội dung đưa ra nhiều phương án mà không phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và không đề xuất phương án nên lựa chọn.
5. Các nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các đơn vị, địa phương chủ trì thực hiện thì đơn vị, địa phương chủ trì có trách nhiệm triển khai, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan, đồng thời theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện đảm bảo chất lượng, đầy đủ nội dung theo yêu cầu, đúng thời gian quy định.
- Đối với các nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao trực tiếp cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương thì người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo và ký các văn bản triển khai nhiệm vụ và văn bản báo cáo, tham mưu, không được ủy quyền cho cấp phó.
- Các nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố hoàn thành nhưng quá hạn hoặc quá hạn chưa hoàn thành mà không có lý do chính đáng, khách quan: Giao Sở Nội vụ, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh phối hợp với Tổ Công tác của Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, rà soát, tổng hợp, tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ để làm cơ sở bình xét, đề xuất thi đua khen thưởng trong năm đối với các tập thể, cá nhân nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
6. Việc gửi, tiếp nhận, xử lý hồ sơ trình phải thực hiện theo Quyết định
số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12
/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước;
Quyết định số 24/2021/QĐ-UBND ngày 04/5/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyêncác quy định, ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, đáp ứng yêu cầu Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được thông qua tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các văn bản, quy định có liên quan. Trong đó lưu ý: hồ sơ trình bản điện tử phải có đầy đủ bản ký số (file *.pdf), dự thảo văn bản của UBND tỉnh, các tài liệu kèm theo dưới dạng file số (word, excel, ppt...) được gửi liên thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo quy định.

7. Giao Văn phòng UBND tỉnh:
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu, tổng hợp; chủ động tham mưu, đề xuất các vấn đề liên quan đến công tác tham mưu của các sở, ban, ngành, địa phương với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
- Đối với các nội dung cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh mà cần trao đổi, làm rõ thì Văn phòng UBND tỉnh chủ động tổ chức họp, làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để giải quyết, đảm bảo tính hiệu quả và kịp thời. Đối với nội dung phức tạp, chưa rõ ràng, còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị tham mưu thì kịp thời báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành, lĩnh vực.
- Khi tiếp nhận văn bản tham mưu của các cơ quan, đơn vị: Rà soát hồ sơ; thẩm tra về thủ tục, hình thức, thể thức, nội dung, tính thống nhất và hợp pháp của dự thảo văn bản; yêu cầu giải trình, làm rõ (nếu cần) hoặc trả lại các hồ sơ không đảm bảo các quy định của pháp luật, quy chế làm việc và quy định tại Chỉ thị này.
- Ký thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh một số văn bản như: Yêu cầu làm rõ, giải trình các nội dung liên quan đến hoạt động tham mưu của các sở, ban, ngành, địa phương, văn bản giao triển khai nhiệm vụ cụ thể (không có nội dung chủ trương của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh); văn bản trả lại hồ sơ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị hoàn thiện, bổ sung nội dung, yêu cầu khẳng định rõ trách nhiệm đối với nội dung tham mưu trình.
- Đôn đốc, theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, địa phương và các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị này. Phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân chậm trễ, không chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc tham mưu các nội dung trái quy định của pháp luật.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Chi tiết xem tại file đính kèm!

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL&TDTHPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây