Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh

Thứ hai - 31/05/2021 22:36 1.477 0
Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 (Nghị định) của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ra đời nhằm mục đích nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở cấp Bộ, ngành trung ương và cấp tỉnh. Đến nay, Nghị định đã được triển khai thi hành 10 năm; ở cấp Bộ, Nghị định đã phát huy hiệu quả tích cực, xây dựng được hệ thống tổ chức pháp chế chuyên nghiệp, đủ mạnh để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ pháp chế đã đề ra. Ở cấp địa phương, sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành, một số địa phương cũng như tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm kiện toàn tổ chức pháp chế, góp phần tích cực trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương, tuy nhiên do những bất cập về thể chế, tổ chức pháp chế ở các địa phương dần bị giải thể, từ đó đến nay nhiều địa phương vẫn đang tìm giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác này. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này có thể thấy ở những vấn đề sau:
- Thời điểm trước khi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực: Quy định về việc thành lập Phòng pháp chế chưa thống nhất, cụ thể là tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có quy định thành lập Phòng Pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hoặc bố trí cán bộ chuyên trách, tuy nhiên các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không quy định về việc thành lập Phòng Pháp chế dẫn đến các địa phương khó khăn trong việc xác định căn cứ để thành lập tổ chức pháp chế; 
- Hiện nay theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh quyết định cơ cấu tổ chức của sở trên cơ sở đảm bảo theo tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở; theo đó với tiêu chí về khối lượng công việc và số biên chế tối thiểu của phòng thuộc sở và với số biên chế trong điều kiện cắt giảm biên chế hiện nay, không thể thành lập phòng chuyên môn thực hiện riêng nhiệm vụ pháp chế, thậm chí việc chỉ bố trí một công chức pháp chế chuyên trách cũng rất khó khăn. Do đó quy định về việc thành lập tổ chức pháp chế tại tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không còn phù hợp.
- Một số quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn có những điểm bất cập, khó thực hiện như: quy định về tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế phải có chuyên môn luật, người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác pháp luật, điều này là khó khả thi; hiện nay đa số người làm công tác pháp chế không có chuyên môn luật, tuy nhiên nhiệm vụ công tác pháp chế lại khá lớn và “thuần luật” dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ còn lúng túng, chưa đầy đủ. Nghị định số cũng quy định người làm công tác pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, tuy nhiên đến nay chưa có quy định cụ thể về chế độ cho người làm công tác pháp chế, do đó khó thu hút người có trình độ chuyên môn phù hợp làm nhiệm vụ này.
- Trong thực tiễn, sự phối hợp cán bộ giữa pháp chế của các cơ quan chuyên môn, giữa cán bộ pháp chế với các bộ phận khác ngay trong nội bộ cơ quan, đơn vị khi tiến hành thực hiện các nhiệm vụ theo quy định như: xây dựng, rà soát, kiểm tra hoặc tuyên truyền, phổ biến các văn bản…. còn rất hạn chế do có sự khác biệt giữa nhiệm vụ pháp chế và nhiệm vụ quản lý ngành, nếu không xây dựng được tổ chức đủ mạnh mà chỉ bố được cán bộ chuyên trách, thậm chí là kiêm nhiệm thì việc phối hợp, gắn kết nhiệm vụ này với các nhiệm vụ chuyên môn chính của đơn vị là rất khó thực hiện.
- Từ việc không có tổ chức pháp chế, các cơ quan bố trí người làm công tác pháp chế ở các tổ chức khác nhau (phòng chuyên môn, văn phòng, hoặc thanh tra…) dẫn tới công tác phối hợp, theo dõi, đánh giá, quản lý, kiểm tra đội ngũ pháp chế không rõ ràng, thiếu chặt chẽ. 
Có thể thấy, mặc dù mục tiêu, vai trò của công tác pháp chế ở các địa phương là không thể phủ nhận, tuy nhiên thực tiễn triển khai thi hành vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ở thời điểm hiện tại, việc tổng kết, đánh giá và đề ra các giải pháp mới cho công tác pháp chế ở các địa phương là cần thiết. Thiết nghĩ, trong bối cảnh thực hiện tinh gọn tổ chức, bộ máy, biên chế các cơ quan nhà nước, không nên quy định bắt buộc thành lập tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thay vào đó xem xét bố trí công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ pháp chế tại một số cơ quan thường xuyên tham mưu xây dựng chính sách, văn bản QPPL (giao quyền cho các địa phương chủ động lựa chọn), hoặc có thể nghiên cứu theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, biên chế cho ngành Tư pháp để có bộ phận chuyên môn đủ mạnh, chuyên sâu, chuyên nghiệp hỗ trợ có hiệu quả cho các cơ quan chuyên môn khác thực hiện nhiệm vụ pháp chế ngành. Bên cạnh đó cần nghiên cứu hoàn thiện về tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời có chính sách tiền lương phù hợp với người làm công tác pháp chế chuyên trách.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Sơn, PGĐ Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay9,400
  • Tháng hiện tại238,934
  • Tổng lượt truy cập15,876,940
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây