Tình hình triển khai thực hiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật trong 6 tháng đầu năm 2021
Đàm Huân
2021-06-09T23:33:40-04:00
2021-06-09T23:33:40-04:00
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/chu-truong-chinh-sach/tinh-hinh-trien-khai-thuc-hien-chi-so-cai-thien-chat-luong-cac-quy-dinh-cua-phap-luat-trong-6-thang-dau-nam-2021-70.html
/themes/netegov/images/no_image.gif
Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Chỉ số cải thiện chất các quy định của pháp luật thuộc nhóm các nhiệm vụ về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 19- 2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và các nghị quyết của Chính phủ năm 2018, 2019, 2020, 2021 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động nhằm cải thiện chất các quy định của pháp luật và đã đạt được những kết quả tích cực:
1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Tháng 4 năm 2021, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tổng kết Đề án nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2020, kết quả tổng kết đã cho thấy: Trong những năm qua công tác xây dựng văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực; qua từng năm, chất lượng dự thảo, thẩm định, thẩm tra, chất lượng văn bản QPPL được HĐND, UBND các cấp ban hành được nâng lên; nội dung, thể thức của văn bản QPPL cơ bản đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội trên địa bàn tỉnh đồng thời cải thiện tích cực chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật.
(Đồng chí Phạm Hoàng Sơn –Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh chủ trì hội nghị tổng kết Đề án nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2020)
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật như: Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 30/12/2020 về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật năm 2021; Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 25/12/2020 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2021; Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 29/01/2021 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm cải thiện chất các quy định của pháp luật
- Chất lượng công tác lập đề nghị, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản QPPL ngày càng được nâng cao: Hoạt động lập đề nghị xây dựng nghị quyết, được các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, trong đó quy trình đánh giá tác động của chính sách được đánh giá tương đối đầy đủ, chú trọng tới tính khả thi, nguồn lực đảm bảo thực hiện, cũng như đánh giá lợi ích của tổ chức, cá nhân, của Nhà nước khi văn bản có hiệu lực thi hành. Hoạt động thẩm định lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL được Sở Tư pháp chủ động phối hợp cùng Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc, trong đó chú trọng đến sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong đề nghị xây văn bản QPPL…
(Đ/c Ma Thị Huyền Trang- Chuyên viên Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL thực hiện nội dung thẩm định dự thảo văn bản QPPL)
- Hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL đạt kết quả tích cực: Công tác ban hành văn bản QPPL 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục được HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm chỉ đạo, đảm bảo tính kịp thời và nâng cao về chất lượng, trong đó vai trò của Sở Tư pháp trong hoạt động xây dựng văn bản tiếp tục được đề cao; nội dung văn bản được ban hành chủ yếu tập trung vào hoàn thiện, sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản hoặc bãi bỏ văn bản không còn phù hợp, đồng thời ban hành một số chính sách về hỗ trợ thành lập hợp tác xã, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, chính sách hỗ trợ do điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; văn bản được ban hành đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật, phát huy hiệu quả điều chỉnh trong thực tiễn. Đến hết 30/5/2021, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 29 văn bản QPPL (trong đó có 04 nghị quyết của HĐND tỉnh).
- Hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đảm bảo 100% văn bản QPPL ban hành được tự kiểm tra theo quy định (Từ đầu năm đến nay UBND tỉnh đã tự kiểm tra được 31 văn bản QPPL); các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã rà soát được 42 văn bản QPPL, kiến nghị xử lý 02 văn bản (đã được UBND tỉnh xử lý theo quy định). Cùng với hoạt động rà soát thường xuyên, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực; nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống văn bản, phục vụ yêu cầu quản lý, cụ thể: Thực hiện rà soát 37 văn bản QPPL lĩnh vực quy hoạch, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch; rà soát, hệ thống hóa (giữa kỳ) 159 văn bản QPPL của HĐND tỉnh; rà soát 30 văn bản QPPL lĩnh vực nội vụ.
Với những kết quả đã đạt được, có thể nhận thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chất lượng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng được nâng cao, đã kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên tất cả các lĩnh vực. Công tác rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Hệ thống văn bản pháp luật được ban hành đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - văn hoá - xã hội phát triển, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội và hội nhập quốc tế ở địa phương./.
Tác giả bài viết: Đàm Huân