GIẾT VẬT NUÔI TRƯỚC ĐỒNG LOẠI CỦA CHÚNG LÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT

Chủ nhật - 06/06/2021 21:46 4.622 0
Ngày 19/11/2018 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, tại kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14. Trong Luật này có nhiều điểm mới không những phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế mà còn có những quy định có tính nhân văn rất cao trong việc đối xử của con người đối với vật nuôi.
Theo quy định tại Điều 69, 70, 71, 72  Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020) thì chính sách đối xử nhân đạo với vật nuôi được quy định rất cụ thể trong các hoạt động tổ chức chăn nuôi, vận chuyển, trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác. Đặc biệt trong hoạt động giết mổ vật nuôi,  Luật quy định  cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Các quy định này của pháp luật nước ta không chỉ dừng lại trong Luật chăn nuôi mà trong Luật Thú y 2015 cũng đã quy định về việc đối xử nhân đạo với động vật tại Điều 21 đó là: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật; Giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học; Tổ chức, cá nhân nuôi động vật làm cảnh, nuôi bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật này.
Một cơ sở giết mổ tập trung –Nguồn https://agrinews.vn
Trong các quy định trên đáng chú ý đó là quy định cấm không được giết mổ vật nuôi trước mặt đồng loại, đây là một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp và trong ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
Thực tế trong chúng ta, chắc chắn không ít người chứng kiến những hành vi giết mổ gia súc, gia cầm như: để làm một con bò, con trâu người ta dung búa đập vào đầu cho nó ngất hoặc dùng dây cột vào bốn chân giật ngã và cắt bốn vó trước khi chọc tiết, còn lợn, gà, ngan, ngỗng, chó mèo thì giết ngay trước mặt những con còn lại trong đó có con cùng lứa, có con là Bố, mẹ, anh, em của chúng…Chúng ta cũng hẳn đã từng  nhìn thấy những con lợn cùng chuồng nuôi chứng kiến đồng loại của mình bị chọc tiết, những con còn lại trong chuồng sợ hãi, co cụm vào một góc tường, bỏ ăn. Chó cũng tương tự vậy, chỉ nằm một chỗ và bỏ ăn, thậm chí bỏ đi mất sau khi thấy đồng loại bị giết, nhiều con chỉ cần thấy chủ rao bán hoặc người mua vào đến nhà là chúng đã bỏ đi mất. Có những cảnh cá biệt hơn trên Youtobe đăng tải khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt hoặc không dám xem chứng kiến cảnh con khỉ mẹ bị bắn sắp chết nhưng vẫn cố gắng ôm con vào lòng và  cho con bú đến khi trút hơi thở cuối cùng, từ những ví dụ thực tế như vậy cho thấy quy định cấm giết mổ vật nuôi trước đồng loại là một quy định cần thiết để đảm bảo tính nhân văn cũng như đảm bảo cho sự sống và phát triển bình thường của gia súc, gia cầm. 
Tìm hiểu về vấn đề này dưới yếu tố khoa học cho thấy lý do phải có quy định như vậy là vì trước hết đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi, thứ hai vật nuôi cũng giống con người, cũng có cảm xúc, việc giết mổ vật nuôi trước mặt đồng loại sẽ khiến những con vật khác sợ hãi hoặc stress, chúng sẽ sản sinh ra một loại hooc-môn tên là cortisol và huy động năng lượng để chống lại điều này. Bên cạnh đó khoa học cũng đã chứng minh những vật nuôi bị giết mổ khi đang sợ hãi hay stress sẽ cho chất lượng thịt kém hơn những con bị giết mổ trong trạng thái bình thường, thịt của những con bị giết mổ trong trạng thái sợ hãi, stress sẽ bị biến đổi về mặt chất lượng rất nhanh, thịt không ngon, việc này ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị của sản phẩm thịt và người quyền lợi của người tiêu dùng. Ở một số nước Châu Âu, các sản phẩm thịt động vật còn được gắn nhãn đảm bảo phúc lợi động vật - tức là động vật được kích ngất tức thời, khi giết mổ không phải chịu đau đớn và sợ hãi. Người tiêu dũng cũng sẽ ưu tiên chọn những sản phẩm có dán nhãn này (Trích trao đổi của Báo Lao Động ngày 18.12, 2018 với PGS.TS Phạm Kim Đăng – Phó trưởng Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam-Nguồn: https://laodong.vn). Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT trao đổi trên báo điện tử Vietnam.net  thì “ đây còn là điều kiện để hội nhập, trao đổi sản phẩm chăn nuôi với thế giới” . Ông Dương dẫn chứng nhiều nước phát triển trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Úc… đã đưa vào luật những quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi để đảm bảo con vật được đối xử tốt nhất. Nếu phát hiện quốc gia nào còn tồn tại những hành vi đối xử không nhân đạo với vật nuôi như đập bò, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, cho con vật chứng kiến đồng loại của nó bị giết mổ… thì họ sẽ từ chối cung cấp thịt cho các nước đó. Nước Úc đã từ chối cung cấp bò thịt sang các nước không có quy trình giết mổ nhân đạo với vật nuôi. Hoặc nếu phát hiện những người thực hiện nghiên cứu khoa học về vật nuôi mà nhốt vật nuôi trong điều kiện chật chội, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu thì người ta sẽ từ chối đề tài khoa học đó.(Trích từ Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong)
Từ những quan sát thực tiễn và quan điểm khoa học nêu trên khẳng định việc đối xử nhân đạo với vật nuôi vừa là việc cần phải làm vừa thể hiện được tính nhân văn theo tinh thần nhân văn của con người, vừa tạo ra chất lượng thực phẩm tốt hơn.
Để đảm bảo thi hành quy định về đối xử nhân đạo đối với vật nuôi, ngày 01/3/2021 Chính phủ ban hành đã ban hành Nghị định14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/4/2021, trong đó có quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối vơid vật nuôi; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; b) Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; c) Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ. Bên cạnh đó Nghị định này cũng quy định:Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp. Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt thấp nhất là 5.000.000 đồng và cao nhất là 50.000.000 tùy theo khối  lượng động vật./.
 

Tác giả bài viết: Đình Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây