Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng – một hướng đi cho ngành du lịch trong thời kỳ dịch bệnh covid.
Lê Thị Minh Hiếu
2021-12-21T04:14:01-05:00
2021-12-21T04:14:01-05:00
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/chu-truong-chinh-sach/chinh-sach-ho-tro-phat-trien-du-lich-cong-dong-mot-huong-di-cho-nganh-du-lich-trong-thoi-ky-dich-benh-covid-124.html
/themes/netegov/images/no_image.gif
Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Ngày 10/12/2021, tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022 - 2025. Chính sách được ban hành là cơ sở pháp lý cần thiết, phù hợp để triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 23/3/2021 của HĐND tỉnh khóa XIV được thông qua tại Kỳ họp thứ nhất.
Kinh nghiệm từ nhiều địa phương cho thấy, để phát triển kinh tế đòi hỏi phải phát huy, tranh thủ nguồn lực trên mọi lĩnh vực, đặc biệt những nguồn lực trong dân. Đối với lĩnh vực du lịch, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được hình thành trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng hiện đang có sự phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa rộng; nếu không được quản lý thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp thì dễ manh mún, khó bền vững và có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa bàn dân cư.
Định hướng về phát triển du lịch cộng đồng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trên tổng thể chung. Phát triển du lịch cộng đồng rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương vì đây chính là nguồn thu ngân sách, là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho chính các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn nhưng có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, khí hậu, sinh vật cũng như các phong tục tập quán văn hóa tốt đẹp, thu hút được khách du lịch ở nhiều tầng đối tượng khác nhau.
Theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND, chính sách được ban hành, có hiệu lực từ 01/01/2022 (thực hiện trong giai đoạn 2022-2025), trong đó tập trung hỗ trợ phát triển 05 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh tối đa 5 tỷ đồng đối với 01 điểm du lịch cộng đồng trên 04 nhóm nội dung:
1- Hỗ trợ kinh phí lập dự án, đầu tư hạ tầng tại các điểm phát triển du lịch cộng đồng;
2- Hỗ trợ kinh phí xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch;
3- Hỗ trợ kinh phí tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch;
4- Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Về nguyên tắc, chính sách nhấn mạnh 3 nguyên tắc: một là, bảo đảm minh bạch và công bằng trong thực hiện chính sách; hai là, mỗi nội dung phát triển du lịch cộng đồng quy định tại Nghị quyết này được hỗ trợ một lần. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều nội dung thì được hưởng các mức hỗ trợ tương ứng khi đáp ứng các điều kiện theo quy định; ba là, việc hỗ trợ chỉ được thực hiện khi các nội dung phát triển du lịch cộng đồng đã được nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng theo quy định.
Điểm khác biệt của chính sách tại nghị quyết này so với các chính sách được ban hành gần đây là HĐND tỉnh không quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với từng nội dung mà giao thẩm quyền này cho UBND tỉnh thực hiện. Theo đó tại khoản 1 Điều 5 nghị quyết giao trách nhiệm cho UBND tỉnh “quy định về điều kiện, tiêu chí được hưởng hỗ trợ; các mức kinh phí hỗ trợ đối với từng nội dung; lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng được hỗ trợ; định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện”.
Thái Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng trên nền tảng truyền thống lịch sử. Theo đánh giá của cơ quan quản lý du lịch tại địa phương, phát triển du lịch cộng đồng tuy đã được khơi gợi nhận thức trong cộng đồng dân cư nhưng rõ ràng còn thiếu tính hệ thống, đồng bộ, chưa có chiều sâu.
Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là loại hình du lịch thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế và được nhiều người ưa chuộng; là lợi thế của ngành du lịch nước ta. Do đó với các chính sách phù hợp ở mỗi địa phương sẽ góp phần cộng hưởng, đa dạng, phong phú bức tranh du lịch Việt Nam, tăng thu cho lĩnh vực du lịch vốn được coi là mũi nhọn kinh tế của các nước được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan tự nhiên, khí hậu, địa chất, sinh vật...
Trong hai năm trở lại đây, du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch trở nên điêu đứng, phá sản sau các đợt càn quét của dịch bệnh Covid. Việc HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay không chỉ là giải pháp kinh tế - xã hội mà còn thể hiện sự quan tâm kịp thời, khẳng định những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên nhằm khôi phục nền kinh tế trong và sau dịch bệnh; thể hiện tầm nhìn và những hướng đi mới cho ngành du lịch địa phương; đồng thời cũng đưa ra những yêu cầu phải đổi mới cách làm, nâng tầm nhìn và thực sự đột phá hơn nữa đối với các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương.
Kỳ vọng, Thái Nguyên sẽ sớm được như một số tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc, là điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương theo hướng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, môi trường; giảm bớt tỷ trọng ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp khai thác khoáng sản trong phát triển kinh tế.
Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu