Hỗ trợ chi phí hỏa táng – một chính sách hướng tới xây dựng xã hội tiến bộ, phát triển, văn minh.

Thứ tư - 15/12/2021 20:54 3.343 0
Ngày 10/12/2021, tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 – 2025. Đây là một trong những chính sách đầu tiên tỉnh Thái Nguyên ban hành liên quan đến vấn đề tâm linh, hướng tới việc thay đổi thói quen, phong tục trong đời sống Nhân dân.
Chuyển hóa chính sách vào thực tiễn…
Theo văn bản, mức hỗ trợ được xây dựng trên 4 nhóm đối tượng:
Một là, hỗ trợ 6.000.000 đồng/01 ca hỏa táng đối với người chết là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người cô đơn (người cao tuổi cô đơn, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, người sống đơn thân không có người phụng dưỡng), người được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh Thái Nguyên; người vô gia cư, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người không quốc tịch mà không có thân nhân hoặc có thân nhân nhưng không có điều kiện lo việc táng vì lý do bất khả kháng mà chết trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;
Hai là, hỗ trợ 5.000.000 đồng/01 ca hỏa táng đối với người chết không thuộc đối tượng quy định tại nhóm thứ nhất có đăng ký thường trú trên địa bàn huyện Định Hóa, huyện Võ Nhai;
Ba là, hỗ trợ 4.500.000 đồng/01 ca hỏa táng đối với người chết không thuộc    đối tượng quy định tại nhóm thứ nhất có đăng ký thường trú trên địa bàn huyện Phú Lương, huyện Đại Từ, huyện Phú Bình, huyện Đồng Hỷ;
Bốn là, hỗ trợ 3.000.000 đồng/01 ca hỏa táng đối với người chết không thuộc đối tượng quy định tại nhóm thứ nhất có đăng ký thường trú trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên.
Nguồn kinh phí hỗ trợ cũng được cân nhắc tính toán, phân bổ để đảm bảo sự hỗ trợ chung từ ngân sách cấp tỉnh cũng như sự chủ động, gánh chung trách nhiệm của ngân sách cấp huyện. Theo đó ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 100% đối với các cơ sở trợ giúp xã hội và hỗ trợ 50% đối với huyện Định Hóa, huyện Võ Nhai, huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ, huyện Đại Từ, huyện Phú Bình; còn lại 50% do ngân sách cấp huyện đảm bảo. Riêng thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên tự đảm bảo ngân sách để thực hiện.
Nghị quyết có hiệu lực từ 01/01/2022 đến 31/12/2025.
Là chính sách hỗ trợ nhưng việc hỗ trợ chi phí hỏa táng đặt trách nhiệm cho người còn sống khi lo mai táng cho người đã chết; ý nghĩa của chính sách, vì thế, không nằm ở khoản kinh phí được hỗ trợ.
Thay đổi nhận thức, phong tục, tập quán để tiết kiệm tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh.
Hỏa táng là hình thức mai táng văn minh, tiết kiệm và đang ngày càng trở nên phổ biến; góp phần dần làm thay đổi thói quen, phong tục, tập quán chôn cất người chết theo hình thức hung táng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc miền núi. Về mặt khoa học, hoả táng đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, y tế; mang lại những lợi ích thiết thực trước thực trạng quỹ đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, giảm sức ép cho các nghĩa trang, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, về quan niệm, nhận thức và tâm linh thì vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phân tích, tuyên truyền, vận động. Một trong những hình thức vận động hiệu quả là có chính sách khuyến khích người dân thay đổi thói quen, tập quán, cách làm vốn đã tồn tại rất lâu trong đời sống xã hội.
Theo cơ quan đề xuất chính sách, tại tỉnh Thái Nguyên, dịch vụ hỏa táng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2017, cung cấp dịch vụ cho người dân trên địa bàn tỉnh và người dân các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng… với mức phí dịch vụ có cơ sở lên đến 6.400.000đ/người chết/lần. So với mặt bằng thu nhập của người dân thì mức phí này còn cao dẫn đến việc nhiều hộ gia đình khi có người thân qua đời muốn sử dụng hình thức hoả táng nhưng không đủ kinh phí và đã thực hiện phương thức chôn cất truyền thống để giảm chi phí. Trong khi đó, tỷ lệ người chết khai tử với số ca sử dụng dịch vụ hỏa táng tại cơ sở hỏa táng tại tỉnh Thái Nguyên năm 2018 là 25,95% (1.883/7.255); năm 2019 là 29,18% (1.993/6.831); năm 2020 là 31,05% (2.217/7.140), tỷ lệ bình quân chung của 3 năm là 28,7% (6.093/21.226); so với nhiều địa phương, tỷ lệ này không cao, đồng nghĩa với việc tỷ lệ địa táng còn phổ biến. Do đó việc Hội đồng nhân dan tỉnh ban hành chính sách là cần thiết, kịp thời.
Chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng dịch vụ hỏa táng do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành được đánh giá là một chính sách liên quan đến đời sống tâm linh nhưng nếu triển khai tốt, thay đổi cơ bản thói quen, phong tục thì khi hết giai đoạn thực hiện chính sách (2022-2025), việc hỏa táng sẽ là lựa chọn tất yếu của người dân tỉnh Thái Nguyên; góp phần xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn quỹ tài nguyên đất và bảo vệ môi trường sống.
Đó chính là mục tiêu lâu bền mà chính sách hướng tới./.
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây