Vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Trần Nội
2021-12-29T04:05:04-05:00
2021-12-29T04:05:04-05:00
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/chu-truong-chinh-sach/van-de-phan-cap-phan-quyen-uy-quyen-theo-quy-dinh-tai-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-135.html
/themes/netegov/images/no_image.gif
Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật
https://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước là một trong những quan điểm chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và theo lãnh thổ. Thực tiễn hoạt động phân cấp, phân quyền trong thời gian qua đã và đang phát huy tính chủ động sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của từng cấp, từng ngành trong tổ chức thực hiện; thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Vấn đề phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, tuy nhiên còn nhiều quy định chưa cụ thể, rõ ràng nên đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019.
1. Về phân quyền: Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019) quy định:
“Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.
Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương”.
2. Về phân cấp: Theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 việc phân cấp phải đáp ứng một số yêu cầu cụ thể:
- Khoản 1, 2 Điều 13 quy định: “1. Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp.”.
Điểm e khoản 2 Điều 11 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019) quy định: “e) Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp…”.
3. Về ủy quyền: Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 7 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019) quy định: Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản
Việc ủy quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền.”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, khi thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền thì cơ quan, cá nhân phân cấp, phân quyền, ủy quyền phải đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để cơ quan được phân cấp đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ. Và theo quy định thì cơ quan, cá nhân phân cấp, phân quyền, ủy quyền sẽ chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp. (Khoản 3 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019).
Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 về vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Tuy nhiên để đồng bộ hơn đề nghị sửa đổi bổ sung khoản 7 Điều 22 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Luật 2015: “7. Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh” để đảm bảo đồng bộ với Khoản 7 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019: “Trong trường hợp cần thiết… Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản”.
Tác giả bài viết: Trần Nội