Điểm mới của Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý Vi phạm hành chính

Thứ năm - 10/02/2022 02:30 2.085 0
Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, thay thế Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định 118/2021/NĐ-CP có nhiều điểm mới cần nghiên cứu để áp dụng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính:
1. Việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt được thực hiện như thế nào?
- Nghị định 118/2021/NĐ-CP bổ sung quy định việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 156. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định: (1). Văn bản QPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản QPPL được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản QPPL có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó. (2). Trong trường hợp các văn bản QPPL có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. (3). Trong trường hợp các văn bản QPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản QPPL ban hành sau. (4). Trong trường hợp văn bản QPPL mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới. (5). Việc áp dụng văn bản QPPL trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản QPPL trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”
- Trường hợp vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được Nghị định áp dụng theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL thì việc lựa chọn văn bản QPPL để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau: Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt. Nếu hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.
2. Quy định về tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 118/2021/NĐ-CP bổ sung Chi nhánh, Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc theo sự chỉ đạo điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng bị xử phạt là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
Chi nhánh, Văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
3. Xác định thế nào là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi đã kết thúc?
Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính.
- Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.
Nghị định 118/2021/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 65. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: (1). Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây: (a) Trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này; (b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; (c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này; (d) Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt; (đ) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật này. (2). Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này. Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện”.
4. Áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với hành vi vi phạm hành chính theo những nguyên tắc nào?
Việc xác định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
+ Khi xác định mức tiền phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được trừ một tình tiết tăng nặng.
+ Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
5. Giao quyền cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngoài quy định về giao quyền xử phạt thì bổ sung quy định về giao quyền cưỡng chế, cụ thể: Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng.
Trong thời gian giao quyền thì người giao quyền vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Trước đây Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định 97/2017/NĐ-CP không quy định về nội dung này.
6. Biên bản vi phạm hành chính được lập như thế nào?
- Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính: Nghị định 118/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính là 02 ngày làm việc, kể từ khi phạt hiện hành vi vi phạm hành chính. Trước đây, các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính không quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính nên người có thẩm quyền từ khi phát hiện đến lúc lập biên bản thời gian rất dài dẫn tới hành vi vi phạm hành chính vẫn tiếp diễn dẫn đến hậu quả rất lớn, khó khắc phục, cụ thể thời hạn lập biên bản như sau:
+ Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;
+ Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;
+ Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan;
+ Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga;
+ Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
- Ký biên bản vi phạm hành chính:
+ Biên bản vi phạm hành chính được lập ít nhất thành 02 bản, được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện người vi phạm của tổ chức ký, trường hợp người vi phạm không ký thì điểm chỉ, nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ phải cùng ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trạng, thì phải ký vào từng trang biên bản. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản vi phạm hành chính hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định cụ thể chính quyền địa phương là cấp xã ký vào biên bản vi phạm hành chính và chỉ cần 01 người chứng kiến, đồng thời giải thích rõ người chứng kiến chỉ chứng kiến về việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản.
- Giao biên bản vi phạm hành chính: Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản.
7. Giải trình vi phạm hành chính thực hiện như thế nào?
Trường hợp khi lập biên vi phạm hành chính chưa xác định được người có thẩm quyền xử phạt, thì cá nhân, tổ chức vi phạm gửi văn bản giải trình đến người có thẩm quyền lập biên bản. Người có thẩm quyền lập biên bản chuyển hồ sơ vụ việc cùng văn bản giải trình cho người có thẩm quyền ngay khi xác định được thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
          Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc không gửi văn bản đề nghị gia hạn thời hạn giải trình trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc ghi rõ ý kiến trong biên bản vi phạm hành chính về việc không thực hiện quyền giải trình, thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính (Đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm có yêu cầu giải trình theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điểm  điểm b và c khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:
“b) Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
 c) Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính..”
8. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị hủy bỏ trong những trường hợp nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Không đúng đối tượng vi phạm; (2) Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định; (3) Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định; (4) Trường hợp giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính); (5) Trường hợp xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính (khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính); (6) Trường hợp giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính (khoản 10 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính); (7) Trường hợp có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm (khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính); (8) Trường hợp không ra quyết định xử phạt (khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Theo khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.
Nghị định 118/2021/NĐ-CPquy định: tùy thuộc vào tính chất, mức độ sai sót, người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính phải hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định khi thuộc một trong các trường hợp có sai sót về nội dung làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định; Quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được ban hành dẫn đến việc thay đổi căn cứ, nội dung của quyết định về xử lý vi phạm hành chính.
9. Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt VPHC khi tiến hành xử phạt được quy định như thế nào?
Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải có lệnh hoặc quyết định thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền, mặc trang phục, quân phục, sắc phục, phù hiệu của ngành hoặc sử dụng thẻ thanh tra, thẻ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.Xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, điều lệnh, điều lệ, quy chế của từng ngành
 10.Có bao nhiêu biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính
 Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ có 74 mẫu quyết định và biên bản, trong đó có một số mẫu biên bản mới như: Biên bản làm việc; biên bản xác định giá trị, tang vật phương tiện vi phạm hành chính; Biên bản xác minh thông tin về tài sản, tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; biên bản đặt, trả tiền bảo lãnh; Biên bản bàn giao vụ việc có dấu hiệu vi phạm để xử lý hình sự…
 

Tác giả bài viết: Đ/c Lương Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây