MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA 9 LUẬT KHÁC

Thứ sáu - 04/03/2022 02:30 1.994 0
Từ ngày 01/3/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự chính thức có hiệu lực thi hành.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Việc xây dựng, ban hành luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 
1- Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật nhà ở theo hướng bãi bỏ điểm c, khoản 1, điều 75 Luật Đầu tư 2020 và sửa đổi khoản 1 điều 23 Luật Nhà ở 2014
1.1. Lý do sửa đổi, bãi bỏ: giải quyết những ách tắc trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở và khắc phục những lỗ hổng pháp lý trong quy định pháp luật về đầu tư dự án nhà ở.
Theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 75 Luật Đầu tư 2020, để xác định làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại thì đồng thời với việc chấp thuận chủ trương đầu tư là nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở hoặc có quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác. Như vậy, dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở, không có một phần diện tích đất ở, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cũng không được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại. Quy định trên không phù hợp với quy định tại khoản 4 điều 29 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầy tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, quy định tại điểm c, khoản 2, điều 22 Luật Nhà ở về việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua hình thức chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020, quy định tại các điều 52, 57, 58 Luật Đất đai 2013 về việc người sử dụng đất được xem xét chuyển mục đích sử dụng đất ở để thực hiện dự án đầu tư phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, theo quy định về các loại đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở tại điểm c, khoản 1, điều 75 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 52, 58 Luật Đất đai 2013 thì hồ sơ, căn cứ, điều kiện chuyển mục đích phải được thực hiện trên cơ sở dự án đầu tư. Theo đó, việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sẽ được thực hiện sau khi dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trước khi làm thủ tục đầu tư là không phù hợp với quy định pháp luật về đất đai.
1.2. Nội dung sửa đổi:
Khoản 4, điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật đã bãi bỏ điểm c, khoản 1 điều 75 Luật Đầu tư 2020 đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 23 Luật Nhà ở 2014 . Việc sửa đổi này nhằm tạo tính thống nhất, khắc phục những lỗ hổng trong quy định pháp luật. Về kỹ thuật soạn thảo văn bản, các quy định nêu trên tránh việc phải tiếp tục ghép quy định sửa đổi Luật Nhà ở trong Luật Đầu tư. Cụ thể như sau:
Hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại: Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau: (1) có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; (2) có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và đất khác không phải là đất ở, đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích đất ở để thực hiện dự án đầu tư mà việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước phải thu hồi đất vì lợi ích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, các trường hợp phải thu hồi khác theo quy định pháp luật.
Tính hợp lý của quy định này thể hiện ở hai điểm sau:
- Thứ nhất, bổ sung làm rõ trường hợp nhà đầu tư được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư có đất ở và đất khác không phải là đất ở, thì “đất khác, không phải là đất ở” thuộc quyền sử dụng của nhà đầu tư cần đảm bảo: (1) “ đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích” thay vì đáp ứng điều kiện “ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở” theo Luật Đầu tư năm 2020 và (2) “ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Như vậy, quy định mới này đã bảo đảm tính linh hoạt hơn so với điểm c, khoản 1, điều 75 Luật Đầu tư 2020, đảm bảo sự kết nối giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và quy định pháp luật khác về đất đai. Tuy nhiên, tiêu chí “ đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” là quy định chưa  thực sự rõ ràng và nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc thẩm định khả năng đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Thứ hai, bổ sung làm rõ thời điểm, trình tự thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất của dự án nhà ở có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể điều 4, Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật quy định rõ: sau khi hoàn tất thủ tục đực cấp chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thì nhà đầu tư mới thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư liên quan đến thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư
Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác điều chỉnh về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị của Thủ tướng Chính phủ ( điểm g, khoản 1, điều 31 Luật Đầu tư 2020 và của UBND cấp tỉnh ( điểm b, khoản 1, điều 31 Luật Đầu tư 2020) theo hướng tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho các địa phương:
2.1. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (khoản 1 điều 31 Luật Đầu tư 2020) được quy định với những loại dự án sau:
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở ( để bán, cho thuê, cho thuê mua) khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 trở lên.
Đây là điểm mới của Luật sửa đổi so với Luật Đầu tư 2020. Theo Luật Đầu tư 2020 thì Thủ Tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị, dự án quy mô từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị.
- Dự án đầu tư phù hợp với quy định pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
- Dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới.
Đây là điểm mới của Luật sửa đổi so với Luật Đầu tư 2020. Theo Luật Đầu tư 2020 thì Thủ Tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất và dân số thuộc phạm vi bảo vệ của khu di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
2.2. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh (khoản 1 điều 31 Luật Đầu tư 2020) được quy định với những loại dự án sau:
- Dự án có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50.000
Đây là điểm mới của Luật sửa đổi so với Luật Đầu tư 2020. Theo Luật Đầu tư 2020 thì UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 50 ha  và quy mô dân số dưới 15.000 người tại khu vực đô thị hoặc dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha và quy mô dân số dưới 10.000 người tại khu vực không phải là đô thị.
- Dự án đầu tư phù hợp quy định pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới.
- Dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử ( được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị của đô thị loại đặc biệt).
3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư cho cơ quan, tổ chức mình quản lý, cụ thể như sau:
3.1. Về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định chủ trương đầu tư:
- Điểm a, khoản 1, điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 9 Luật quy định sửa đổi điểm b, c khoản 4, điều 17 Luật Đầu tư công: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:
+ Chương trình, dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này.
+ Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau: Chương trình, dự án nhóm A; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh – tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào các chương trình, dự án khu vực.
- Đồng thời  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác cũng bãi bỏ điểm d, khoản 4, điều 17 Luật Đầu tư công theo hướng: Thủ tướng Chính phủ không quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thuộc trường hợp “ dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư” mà thẩm quyền này nay thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác.
- Như vậy điểm mới của Luật là, nếu như theo điểm b, khoản 4, điều 17 Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc các nhóm A, B, C thì nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác thì Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định chủ trương đầu tư với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thuộc nhóm A ( trừ chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 17 Luật Đầu tư công; chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong trường hợp chương trình, dự án nhóm A và B).
3.2. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh
Luật bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 điều 17 Luật Đầu tư công để quy định thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư như sau: HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C sử dụng vốn Oda và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều 17 của Luật Đầu tư công.
3.3. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương:
Luật bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 điều 17 Luật Đầu tư công để quy định thẩm quyền của người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4, điều 17 Luật Đầu tư công.
4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ( PPP) theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
- Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B, nhóm C theo quy định pháp luật về đầu tư công.
5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 9 Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu thầu với dự án ODA theo hướng cho phép triển khai một số hoạt động thực hiện trước. Cụ thể, theo điều 5 khoản 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác đã bổ sung điều 33 a vào sau điều 33 Luật Đấu thầu cho phép: việc lập, trình duyệt thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách đối với các hoạt động mua sắm của dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi.
6. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp
Khoản 1, 2, 3, 4, 6 và 7, điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác đã sửa đổi, bổ sung các điều 49, 50, 60, 148, 158 Luật Doanh nghiệp theo hướng hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
6.1. Lý do sửa đổi, bổ sung
Luật Doanh nghiệp mới được sửa đổi, bổ sung năm 2020 nhưng đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập như:
- Điểm e, khoản 2, điều 60 Luật Doanh nghiệp về biên bản họp hội đồng thành viên quy định: Biên bản họp hội đồng thành viên phải thông qua ngay trước khi kết thúc cuộc họp, biên bản phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: họ tên, chữ ký và nội dung ý kiến của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp ( nếu có). Quy định này không phù hợp thực tiễn vì người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp thì rất khó để yêu cầu họ ký tên, thực tế hiện nay cho thấy các thành viên dự họp khi bất đồng quan điểm thường bỏ về ngay không tiếp tục tham gia cho đến khi kết thúc họp, điều này khiến biên bản thiếu đi nội dung “ký tên, nêu ý kiến”. Tuy nhiên, đây lại là quy định bắt buộc của Luật hiện hành, vô hình chung khiến biên bản dự họp vô hiệu.
- Điểm c, khoản 1, điều 109 của Luật Doanh nghiệp quy định: báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hàng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trong thời hạn 150 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Quy định này làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp gánh nặng về tài chính và quy định này cũng bất hợp lý đối đối với doanh nghiệp hoạt động phi lợi nhuận, doanh nghiệp hoạt động công ích. Việc cào bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quy định này là không phù hợp.
6.2. Nội dung sửa đổi, bổ sung
- Sửa đổi, bổ sung điều 49, 50 Luật Doanh nghiệp theo hướng thay cụm từ “ thành viên hội đồng thành viên” thành “ thành viên công ty” để thống nhất với các quy định liên quan của luật này.
- Sửa đổi quy định tại khoản 3, điều 60 và khoản 2 điều 158 Luật Doanh nghiệp theo hướng quy định trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả các thành viên của hội đồng thành viên/ hội đồng quản trị đã tham dự họp đồng ý thông qua biên bản họp ký.
- Bổ sung quy định chủ tọa, người ghi biên bản bản từ chối ký biên bản họp liên đới chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp ( khoản 3, điều 60); biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp; người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác, trung thực của nội dung biên bản họp hội đồng quản trị ( khoản 2 điều 158).
Nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đã tạo ra cơ chế bảo vệ doanh nghiệp trong các trường hợp trên, tránh việc phải tiến hành họp nhiều lần, tiết kiệm thời gian, nhân lực của doanh nghiệp.
- Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp, khoản 5, 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác đã sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 1 điều 109 của Luật Doanh nghiệp quy định báo cáo tài chính, tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và của cơ quan đại diện chủ sở hữu, báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm không bắt buộc phải kiểm toán, nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp.
- Ngoài ra, để khắc phục những vướng mắc trong việc xác định doanh nghiệp quốc phòng an ninh phù hợp với thực tiễn, khoản 8, điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5, điều 217 Luật Doanh nghiệp theo hướng: căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng - an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh là doanh nghiệp nhà nước và Công ty TNHH do Doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 2, điều 88 của Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ.
7. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
Nhằm thu hút xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải, điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác đã sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Điện lực, cụ thể như sau:
- Bổ sung khoản 2, điều 4 Luật Điện lực : thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng – an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.
- Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2, điều 4: Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
- Bổ sung điểm d1 vào sau điểm d, khoản 1 điều 4 với nội dung “ đấu nối vào lưới điện truyền tải cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật;
- Bổ sung điểm h1 vào sau điểm h, khoản 2, điều 4: bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công thương.
8. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Với mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính (thực hiện cam kết của Liên Hợp quốc về bảo vệ môi trường), định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường; Điều 8 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác đã bổ sung điểm i, khoản 4 Mục I Điều 7 về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành.
Từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
9. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự
Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác đã bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản.
9.1. Lý do của việc sửa đổi, bổ sung
Việc bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản xuất phát từ vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự thường phải xử lý rất nhiều tài sản. Trong đó, có vụ việc bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý hàng trăm tài sản để bảo đảm thi hành án, nhưng tài sản đó lại nằm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Đặc biệt là trong các vụ việc thi hành án đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và tín dụng, ngân hàng.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) mới chỉ quy định cơ chế ủy thác thi hành án (ủy thác toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thi hành án) mà chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản để xử lý đồng thời tại các địa phương khác nhau. Theo quy định trên, để thực hiện việc ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới thực hiện việc ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tại địa phương khác tiếp tục tổ chức thi hành.
Như vậy, theo quy định trên thì cơ quan thi hành án dân sự không được quyền xử lý đồng thời tài sản đã được tuyên trong bản án, quyết định (kể cả thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế) và cũng không thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có tài sản xử lý mà phải thực hiện theo thứ tự (xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới được ủy thác đến nơi có tài sản xử lý tiếp).
Hệ quả là gây ách tắc, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản (nhất là khoản thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, tổ chức tín dụng); ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án khi không được bảo đảm kịp thời; giảm giá trị tài sản; nhiều trường hợp mất mát, hư hỏng; đương sự tẩu tán tài sản; tốn kém thời gian; phát sinh chi phí tổ chức thi hành án, phát sinh thêm khoản tiền lãi chậm thi hành án mà người phải thi hành án sẽ phải chịu, chưa kể làm tăng thủ tục, chậm cải cách hành chính trong thi hành án dân sự.
9.2. Nội dung sửa đổi
- Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật khác đã sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản, cụ thể: Việc ủy thác xử lý tài sản được thực hiện trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.
- Cùng với việc quy định rõ căn cứ, Luật cũng đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản như: Thực hiện việc ủy thác và nhận ủy thác xử hồ sơ ủy thác; căn cứ để cơ quan nhận ủy thác áp dụng các trình tự, thủ tục xử lý tài sản; việc chuyển số tiền thi hành án thu được cho cơ quan nơi ủy thác thực hiện việc thanh toán tiền cho những người được thi hành án; quy định trách nhiệm của cơ quan nơi ủy thác và cơ quan nhận ủy thác; việc dừng xử lý tài sản trong trường hợp đã thu được số tiền đủ để thi hành án và các chi phí liên quan…
- Với việc bổ sung quy định về ủy thác xử lý tài sản nêu trên sẽ tạo cơ chế cơ quan thi hành án dân sự có thể xử lý đồng thời các tài sản của người phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau; góp phần quan trọng vào việc rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 

Tác giả bài viết: Lương Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây