Trong bối cảnh đó, dự án Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi) hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà nghiên cứu lập pháp, các luật gia và giới chuyên môn trong các lĩnh vực khi tham gia xây dựng thể chế; được coi là nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 theo Nghị quyết số 59/2024/NQ-UBTVQH15 ngày 11/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Dự án Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều (giảm 9 chương, 104 điều so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015). Theo đánh giá, dự thảo luật rất chú trọng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, quy định ngắn gọn những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội theo hướng chỉ quy định chi tiết trong dự thảo Luật rình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các văn bản QPPL liên tịch, văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương, dự thảo Luật tập trung quy định nguyên tắc, loại hình văn bản QPPL mà các chủ thể được phép ban hành và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành nghị quyết liên tịch, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước; Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch và văn bản QPPL của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, dự thảo Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi) lần này với 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật đang trở thành tâm điểm để các ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến tham gia:
Một là, tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản QPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy. Theo đó, bố cục và thiết kế nội dung của dự thảo Luật theo hướng, Luật này chỉ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với các văn bản QPPL còn lại, Luật quy định nguyên tắc, loại hình văn bản QPPL mà các chủ thể được phép ban hành và giao các cơ quan quy định chi tiết. Kế đó, sửa đổi, bổ sung khái niệm "văn bản quy phạm pháp luật", "chính sách" làm cơ sở xác định thẩm quyền của các chủ thể trong lập pháp và lập quy.
Hai là, bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm của Chính phủ để thí điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ; giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn để áp dụng pháp luật trong một thời gian nhất định. Đồng thời, quy định một số đặc thù trong xây dựng, ban hành loại văn bản này, bảo đảm nhanh gọn (nghị quyết của Chính phủ có thể có hiệu lực kể từ ngày Chính phủ thông qua).
Ba là, đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội. Theo đó việc xây dựng Chương trình lập pháp cần bảo đảm sự chủ động tối đa cho các cơ quan như bảo đảm sự chủ động của Quốc hội trong việc xây dựng Chương trình kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội chủ động được tiến độ thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Đại biểu Quốc hội được tiếp cận sớm hồ sơ, chủ động trong việc nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến cũng như bảo đảm sự chủ động cho Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc lập đề nghị, soạn thảo và trình dự án luật, giải tỏa vấn đề áp lực, chạy theo tiến độ như hiện nay để chú trọng vào chất lượng của dự án luật.
Bốn là, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật trên cơ sở chính sách đã được Chính phủ thông qua. Dự thảo Luật quy định đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL, trong đó tập trung vào 02 vấn đề lớn, trọng tâm là đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định về quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Năm là, đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về việc ban hành văn bản QPPLật của một số chủ thể để quy định về vấn đề phân cấp và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản QPPL.
Sáu là, quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm, trên cơ sở chủ trương của Đảng về việc đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền về kiểm soát quyền, lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cần thiết phải phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình. Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình.
Bảy là, giải thích áp dụng văn bản QPPL. Thực tiễn thống kê thì sau 8 năm thi hành Luật năm 2015, số lượng nghị quyết giải thích luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành không nhiều. Tuy nhiên trên thực tiễn thì nhiều quy định pháp luật cần được giải thích một cách chính thống, đảm bảo tính thống nhất trong cách hiểu và thực thi. Với yêu cầu đó, các quy định về giải thích áp dụng văn bản QPPL sẽ giúp các cơ quan, tổ chức có liên quan hiểu và áp dụng đúng quy phạm, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, giúp xử lý nhanh các vấn đề thực tiễn và không tốn kém chi phí, nhân lực để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Xác định khâu đột phá về thể chế, dự án Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần khơi thông điểm nghẽn trong quy trình xây dựng pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc để hoạt động xây dựng pháp luật của các chủ thể được Luật giao thẩm quyền; góp phần thực hiện một trong ba vấn đề trọng tâm mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật./.