Từ những quy định của pháp luật …
Luật năm 2020 đã quy định rất đầy đủ các chế định để có thể triển khai chủ trương trên một cách bài bản cả về chính sách khuyến khích và chế tài, có lộ trình và cơ chế thực hiện. Cụ thể như sau:
(1) Về nguyên tắc phân loại, theo Điều 75, CTRSH (hay còn gọi là rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 03 loại: (i) chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (ii) chất thải thực phẩm; (iii) CTRSH khác. Phân loại rác thải là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
Bao bì đựng các loại CTRSH khác nhau có màu sắc khác nhau; bao bì đựng chất thải thực phẩm có màu xanh, bao bì đựng CTRSH khác có màu vàng. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể quy định màu sắc khác, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh;
(2) Về thu gom, vận chuyển
Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom và công bố rộng rãi. Đồng thời có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH khác theo quy định.
(3) Về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải thực phẩm nếu không được phân loại thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý như đối với CTRSH khác.
UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
(4) Về lộ trình thực hiện
Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT có hiệu lực từ ngày 25/8/2022; theo đó có quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH, không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt tiền và việc xử phạt được áp dụng từ từ ngày 01/01/2025.
Như vậy, từ ngày 25/8/2022 đến 31/12/2024 là khoảng thời gian “chờ” giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hàng ngày; hiểu và xem việc phân loại rác như một thói quen cần thiết trong đời sống hằng ngày, ứng cử với rác như một nguồn tài nguyên hữu ích cho mỗi người dân và cộng đồng xã hội. Sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt và chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
… đến tổ chức thi hành và thực tiễn áp dụng
Những ngày gần đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhiều địa phương phản ánh các quy định về phân loại rác thải tại nguồn đang rất bất cập, không khả thi và trên thực tế kết quả thực hiện không triệt để, nghiêm túc. Ngay tại địa phương nơi tôi sinh sống và nhiều địa phương khác lân cận, tình trạng chưa phân loại rác thải tại nguồn nhưng không thể từ chối xử lý rác thải và xử lý vi phạm hành chính là rất phổ biến, thậm chí mọi việc vẫn diễn ra bình thường không có biến chuyển khác biệt do với thời điểm trước ngày 01/01/2025.
Mặc dù đã có hơn hai năm cho việc chuẩn bị thực hiện quy định về phân loại xử lý rác thải tại nguồn, nhưng rõ ràng mọi điều kiện cho việc thực hiện quy định này hiện vẫn đang rất lúng túng. Về nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các chế tài phải được áp dụng khi bắt đầu có hiệu lực, các hành vi vi phạm (nếu có) chỉ là cá biệt và phải được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, quy định của Luật BVMT năm 2020 và Nghị định 45/2022/NĐ-CP đang bị vi phạm một cách phổ biến mà chưa thể xử lý được, mặc dù trước đó chúng ta đã thực hiện khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và giá trị của tài nguyên rác cũng như các chế tài của pháp luật.
Có một số nguyên nhân khiến việc phân loại rác tại nguồn gặp khó khăn như thiết bị và phương tiện thu gom, vận chuyển chưa phù hợp với rác đã được phân loại; nhiều nơi áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả rác đã thu gom và các hộ gia đình/chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; chưa có sự chuẩn bị đầu tư trang thiết bị đáp ứng sau phân loại; quy trình, công nghệ xử lý rác chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó kinh phí thực hiện cho phân loại rác tại nguồn cao và chưa có giải pháp áp dụng chuyển đổi số để kết nối tổng thể cũng như chưa có dữ liệu nền để đưa ra quyết sách, chính sách phân loại rác tại nguồn phù hợp với địa phương; thiếu chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại rác tại nguồn, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn…
Trong khi chờ một giải pháp căn cơ, có tính tổng thể và khả thi hơn, trước mắt vẫn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời có đánh giá và báo cáo chính thức về vấn đề này, báo cáo Quốc hội và Chính phủ có giải pháp chỉ đạo cần thiết để sớm đưa các quy định của pháp luật vào thực thi. Song song với đó cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực xã hội để tháo gỡ những bất cập, chuẩn bị tốt hơn cho việc thực thi các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Bản chất các quy định hiện có là ưu việt, nhưng điều kiện và lộ trình thực hiện cần được phân tích, đánh giá và tính toán lại cho phù hợp với thực tế tại Việt Nam, phù hợp với hạ tầng kinh tế - xã hội của từng vùng miền trên các địa phương trong cả nước./.