Giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Thứ bảy - 08/02/2025 03:25 38 0
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cơ quan, tổ chức, ban ngành ở Trung ương, địa phương và xã hội; từng bước nhận diện và triển khai, thực hiện rõ nét hơn các nhiệm vụ được giao về GĐTP, nhất là sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực có các chỉ đạo quyết liệt, cụ thể về công tác GĐTP. Hệ thống các quy định về GĐTP tiếp tục được hoàn thiện; các Bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn; hệ thống tổ chức GĐTP, đội ngũ GĐTP tiếp tục được củng cố và phát triển.
Trong bối cảnh tích cực chung đó, ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 28/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 89/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: Tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch; kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; đấu thầu; thống kê; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Xuất phát từ địa vị pháp lý trên, Thông tư số 28/2024/TT-BKHĐT quy định về tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; lập, công bố và đăng tải danh sách giám định viên tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn, quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp; hồ sơ, kết luận giám định tư pháp; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và các nội dung khác liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư được quy định trong phạm vi 6 chương, 16 điều.
Công tác quản lý nhà nước về GĐTP trong những năm gần đây đã có bước đổi mới quan trọng. Tại địa phương, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh tăng cường quản lý nhà nước về GĐTP; khẳng định vai trò của hoạt động GĐTP để phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật./.

 

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây