Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 318/QĐ-TTg về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; quy định nêu rõ nội dung xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới tại tiêu chí thành phần 18.4 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật và bổ sung nội dung tiếp cận pháp luật đối với xã nông thôn mới nâng cao tại tiêu chí 16.
Việc bổ sung tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật gắn kết các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới với xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của địa phương và thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống tinh thần nói chung và đời sống pháp lý của người dân. Việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật và xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã.
Tại tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai Quyết định số 25/QĐ-TTg và Thông tư số 09/TT-BTP quy định về đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được UBND các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, nhiều mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật; mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở được công nhận và hoạt động hiệu quả, công tác xây dựng và đánh xã cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:
Hằng năm Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên đều ban hành Kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện một số nội dung Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để đảm bảo công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng quy định trong giai đoạn 2022-2023 UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND các huyện, thành phố ban hành 81 văn bản triển khai về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật.
Triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức 02 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh cho hơn 4.000 lượt người tham dự. Năm 2022 tổ chức 09 hội nghị tại 09 huyện, thành phố, năm 2023 tổ chức 01 hội nghị trực tuyến tập huấn công tác chuẩn tiếp cận pháp luật cho gần 2.000 cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cấp xã và cấp huyện tại điểm cầu Sở Tư pháp kết nối với 151 điểm cầu các xã, phường, thị trấn và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh nhằm giúp các địa phương triển khai nghiêm túc nội dung này trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Riêng tại các huyện, thành phố tổ chức 114 hội nghị với tổng số 8.700 lượt người tham dự.
Ngoài ra đã tiến hành biên tập, in và phát hành cuốn "Bản tin Tư pháp" cấp phát miễn phí đến các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh làm tài liệu phổ biến pháp luật và bổ sung nguồn tài liệu cho tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn (định kỳ phát hành 1 số/quý/1.000 cuốn); in ấn và phát hành các loại tờ gấp các loại về phòng, chống tham nhũng, một số quy định về xã, phường, trị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; một số quy định về biện pháp xử lý vi phạm hành chính; tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; in ấn và cấp phát cuốn hỏi - đáp pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; sổ tay hỏi – đáp pháp luật, Nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở…, thường xuyên cập nhật, đăng tải chủ chương, chính sách pháp luật mới của Trung ương, của tỉnh và các văn bản có liên quan đến nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật Thái Nguyên, Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp...; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng nhiều chương trình phóng sự tuyên truyền về nhiệm vụ này... UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trên Cổng/Trang thông tin điện tử, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, hệ thống Truyền thanh cơ sở về vai trò, ý nghĩa, nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
Bên cạnh đó hằng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL; hoà giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Qua kiểm tra 09/09 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình của địa phương, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về tiếp cận pháp luật. Các huyện, thành phố đều đã kiện toàn Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với số lượng thành viên từ 12-15 người/Hội đồng; xây dựng và ban hành tổ chức thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức triển khai, 100% các đơn vị cấp huyện đã thực hiện việc phân công cụ thể trách nhiệm cho các thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện, 100% các đơn vị cấp xã đã thực hiện phân công nhiệm vụ phụ trách các tiêu chí cho các công chức ở cấp xã.
Công tác phổ biến, quán triệt, tập huấn cho đội ngũ công chức trực tiếp theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện thường xuyên, do đó, đã nâng cao ý thức trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND cấp huyện, cấp xã với các tổ chức chính trị đã tạo điều kiện cho việc công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước giúp người dân thuận lợi tiếp cận thông tin, thụ hưởng các chính sách, pháp luật.
Kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật trong giai đoạn 2022-2023 như sau: Năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 169/178 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; năm 2023 có 174/177 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt 98,3%. Số xã đạt chuẩn tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025: 38 đơn vị cấp xã. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có tổng số 82 mô hình hoạt động có hiệu quả (trong đó có 42 mô hình phổ biến giáo dục pháp luật; 40 mô hình hòa giải ở cơ sở), các mô hình, giải pháp, sáng kiến đã được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật nói chung và các mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hiệu quả nói riêng tại địa phương
Thông qua đánh giá, công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã giúp chính quyền cấp xã, cấp huyện thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn và đề ra giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn; góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ chuyên môn của chính quyền cấp xã; nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhưng công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tài liệu đánh giá một số chỉ tiêu, tiêu chí của một số đơn vị cấp xã chưa đảm bảo theo quy định; việc tự chấm điểm của một số xã, phường, thị trấn tại một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa sát với tình hình thực tế tại đơn vị; việc triển khai đánh giá và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của một số UBND cấp xã chưa kịp thời...
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của người dân, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như sau:
Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Đẩy mạnh cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Hai là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật và việc đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để người dân hiểu được và tích cực tìm hiểu, chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
Ba là: Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời nắm bắt và khắc phục những hạn chế trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời tích cực nhân rộng các mô hình, cách làm hay để nâng cao nhận thức của người dân về tiếp cận pháp luật.