LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN, HỘI LUẬT GIA Ở CẤP HUYỆN, CÁC LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ HIỂU BIẾT PHÁP LUẬT TRONG TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ HÒA GIẢI Ở CƠ

Thứ hai - 22/07/2024 20:52 253 0
Đây là một trong những yêu cầu được quy định tại điểm b, khoản 2, mục I phần II hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh (sau đây viết tắt là Quyết định 1723).
Có thể nhận thấy đây là một quy định nếu được thực hiện tốt sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho công tác hòa giải ở cơ sở mà trước tiên là nâng cao chất lượng vụ việc hòa giải ở cơ sở bởi sẽ huy động được lực lượng có am hiểu chuyên sâu về kiến thức pháp luật cũng như kinh nghiệm nghiệp vụ về hòa giải hỗ trợ cho các hòa giải viên trong quá trình hòa giải đồng thời qua đó cũng giúp cho hòa giải viên có cơ hội tiếp cận được kiến thức pháp luật và phương pháp hòa giải trực tiếp để nâng cao trình độ nghiệp vụ và kiến thức pháp luật, không những thế với sự tham gia của những Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhân dân, Luật gia, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật, Báo cáo viên pháp luật, Trợ giúp viên pháp lý... trong các vụ việc hòa giải thì các bên tranh chấp, mâu thuẫn cũng sẽ xuất hiện tâm lý “tin cậy hơn về khả năng vận dụng  pháp luật” trong việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Bên cạnh đó quy định này cũng có tác động lớn đến việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tham gia vào công tác hòa giải đặc biệt trong điều kiện trình độ, kiến thức pháp lý của hòa giải viên của chúng ta con hạn chế nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, ven biển, hải đảo, biên giới và vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
          Giá trị của quy định là như vậy, tuy nhiên sau gần 2 năm tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh cho thấy ở một số đơn vị cấp xã mới triển khai được một phần yêu cầu này đó là có hoạt động phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tổ chức, cá nhân có hiểu biết pháp luật trong tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên hoặc tham gia hỗ trợ hòa giải còn hoạt động phối hợp với Tòa án nhân dân cấp huyện, Hội Luật gia cấp huyện trong việc thực hiện yêu cầu này chưa triển khai được, qua phản ánh  từ cơ sở trong tỉnh cũng như ở một số địa phương khác cho thấy có một số nguyên nhân như sau:
          Thứ nhất, chưa có hướng dẫn cụ thể của về cơ chế phối hợp trong hoạt động này đối với cả phương pháp, trình tự thủ tục, việc bố trí nhân sự tham gia, kinh phí hỗ trợ… chính vì vậy các Tòa án nhân dân và Hội Luật gia ở cấp huyện khó khăn bố trí người tham gia trừ trường hợp các Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Luật gia là tổ viên tổ hòa giải ở cơ sở tự giác tham gia ngoài giờ hành chính nên số lượng tham gia chưa nhiều đơn giản vì các tranh chấp, mâu thuẫn không chỉ xảy ra ngoài giờ hành chính vì nhiều tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra bất kể thời gian nào và đa số cần hòa giải kịp thời ngay khi xảy ra.
          Thứ hai, các tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở xảy ra bất kể vào thời điểm nào không chỉ xảy ra ngoài giờ hành chính và một trong những nguyên tắc theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở thì cần phải được phát hiện giải quyết kịp thời để tránh “ cái nẩy xảy cái ung”, “ cái bé xé ra to”, mâu thuẫn tranh chấp nhỏ phát triển nhanh thành tranh chấp, mâu thuẫn lớn hoặc trở thành vụ việc vi phạm pháp luật hành chính, hình sự…do vậy việc bố trí cho Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Luật sư, Luật gia, Tư vấn viên pháp luật, Báo cáo viên pháp luật, Trợ giúp viên pháp lý… tham gia giải quyết đối với những loại vụ việc này là rất khó khăn nhất là về thời gian.
          Một nguyên nhân khác không thể kể đến đó là hòa giải ở cơ sở là một công việc khó( không hoàn toàn tương ứng nhưng có thể nói có nhiều vụ việc không kém phần phức tạp như các vụ án, vụ việc hành chính, kinh tế…) kinh phí hỗ trợ không nhiều nên nhiều người có tâm lý không muốn tham gia và không thể không có những người thiếu trách nhiệm với cộng đồng, xã hội nên né tránh không tham gia.
          Như đã nhận định ở trên về giá trị của sự tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở của những người hiểu biết và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật cũng như thực trạng của hoạt động này, vậy làm cách nào để giá trị ấy thực sự đi vào cuộc sống, đi vào công tác hòa giải ở cơ sở? theo chủ quan của tác giả trong thời gian tới có thể áp dụng một số giải pháp như sau:
          Thứ nhất cần thống nhất quán triệt nhận thức đây là một quy định pháp luật, là một yêu cầu quan trọng trong công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng xã đạt nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là một điều kiện cấu thành với các điều kiện khác trong các chỉ tiêu của các tiêu chí đảm bảo cho xây dựng xã về đích nông thôn kiểu mẫu do đó các cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã cần chú trọng quan tâm tổ chức triển khai.
          Thứ hai, các cơ quan trung ương và ở cấp tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện với Tòa án nhân dân và Hội luật gia cùng cấp cũng như với Đoàn Luật sư tỉnh trong việc triển khai vận động, khuyến khích và tạo cơ chế cho các Thẩm phán, Thư ký tòa án, Luật gia, Luật sư, Báo cáo viên pháp luật, Tư vấn viên pháp luật, Trợ giúp viên pháp lý… tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là cơ chế về thời gian tiếp cận vụ việc, nghiên cứu hồ sơ và tham gia giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, để giải quyết tốt vấn đề này nên chăng cần có hướng dẫn về việc xây dựng quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện với các cơ quan liên quan.
          Thứ ba, Đảng bộ các cấp từ tỉnh đến xã cần có giải pháp để vận động, khuyến khích các Đảng viên có kiến thức pháp luật, Đảng viên là Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Luật gia, Luật sư, Báo cáo viên pháp luật, Tư vấn viên pháp luật, Trợ giúp viên pháp lý… tham gia công tác hòa giải ở cơ sở hoặc hỗ trợ kiến thức cho hòa giải viên ở cơ sở, đặc biệt tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm của Đảng viên trong việc tham gia vào hoạt động hòa giải ở cơ sở./.
 

Tác giả bài viết: Đình Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây