Thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Thứ ba - 05/12/2023 20:52 1.431 0
Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc áp dụng pháp luật đất đai để đưa ra chế tài pháp lý xử lý hành vi vi phạm pháp luật đất đai nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và người sử dụng đất đai trong lĩnh vực đất đai. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) là Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở tôn giáo có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Về cơ bản, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đầy đủ, giúp cho công tác này ngày càng đi vào nề nếp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế các vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành các quy định trên tại tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để phù hợp với thực tiễn thi hành.
Một là, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã gồm: (i) Phạt cảnh cáo; (ii) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; (iii) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; (iv) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Đồng thời, khoản 2 Điều 38 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền: (i) Phạt cảnh cáo; (ii) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; (iii) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; (iv) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn; (v) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định 17 biện pháp khắc phục hậu quả mà chủ tịch UBND cấp huyện được áp dụng, trong đó có các biện pháp: (i) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này; (ii)  Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này; (iii) Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; (iv) Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định…
Như vậy, theo các quy định trên thì chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” mà không được áp dụng các biện pháp khác như: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định…”.
Từ thưc tiễn hoạt động quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua cho thấy nhiều vụ việc đơn giản, vi phạm nhỏ, về mức phạt tiền vẫn thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã (từ 5.000.000 đồng trở xuống), cơ quan có thẩm quyền ngay khi phát hiện đã kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm nên thực tế không phát sinh số lợi bất hợp pháp, nhưng theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP khi xử phạt về hành vi vi phạm vẫn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên và phải chuyển hồ sơ lên chủ tịch UBND cấp huyện để xử lý. Nhận thấy quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn dến việc dồn hồ sơ lên cấp trên, việc xử phạt vi phạm hành chính mất nhiều thời gian do phải chuyển hồ sơ dẫn đến chậm chễ trong việc xử lý vi phạm hoặc tiềm ẩn vi phạm vẫn tồn tại và tiếp tục phát sinh thêm nếu không kịp thời xử lý tại đơn vị cấp xã.
Hai là, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm”
Theo Điều 38 và Điều 39 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP thì các chủ thể có thẩm quyền xử phạt được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP là: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này”. Tuy nhiên, việc triển khai biện pháp này trên thực tế gặp khó khăn do không có quy định cụ thể về việc khôi phục tình trạng ban đầu của đất như thế nào, nhất là các vi phạm trên đất nông nghiệp (hành vi sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất nông nghiệp....), trong nhiều trường hợp không thể khôi phục lại được hiện trạng đất nông nghiệp để canh tác như trước do vi phạm xây nhà, công trình trên đất, có tháo dỡ công trình vi phạm thì cũng đã làm biến dạng địa hình và chất đất, không thể quay lại sản xuất nông nghiệp được; hoặc trong nhiều trường hợp không có tài liệu, dữ liệu về nguồn gốc đất đai trước khi vi phạm, nên cơ quan có thẩm quyền gặp lúng túng khi thực hiện việc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Mặt khác, theo điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP thì biện pháp: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này”, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm, tuy nhiên hiện nay rất ít UBND cấp tỉnh có quy định nội dung này nên các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong cách thức thực hiện, mỗi một địa phương thực hiện khác nhau, không thống nhất.
Ba là, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”
Theo Điều 38 và Điều 39 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP thì các chủ thể có thẩm quyền xử phạt được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này” và được cụ thể hóa bởi Điều 7 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP. Trên thực tế, việc tính số lợi bất hợp pháp vận dụng vào từng trường hợp cụ thể đôi khi cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn nhất là các trường hợp lấn, chiếm đất sử dụng vào mục đích để ở thì khó xác định được lợi nhuận để buộc người vi phạm nộp lại số lợi bất hợp pháp. Mặt khác, theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định:
(1) Trường hợp sử dụng đất sang mục đích khác mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12 và 13 Nghị định này thì số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm được xác định bằng giá trị chênh lệch của loại đất trước và sau khi vi phạm tính trên diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian vi phạm (kể từ thời điểm bắt đầu chuyển mục đích sử dụng đất đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính). Giá đất của loại đất trước và sau khi vi phạm được xác định bằng giá đất của bảng giá đất do UBND tỉnh quy định (đối với giá của loại đất trước khi vi phạm) và tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính (đối với giá của loại đất sau khi chuyển mục đích). Số lợi bất hợp pháp có được do chuyển mục đích sử dụng đất được tính bằng công thức sau:
Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm = Giá trị của diện tích đất vi phạm theo loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất (G2) - Giá trị của diện tích đất vi phạm theo loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất (G1) x Số năm vi phạm
Tổng thời gian sử dụng đất theo quy định của bảng giá đất đối với loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất thuộc chế độ sử dụng có thời hạn; trường hợp thời hạn sử dụng đất lâu dài thì thời gian được tính là 70 năm
 
G (1,2) = Diện tích đất vi phạm x Giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định
Loại đất trước khi vi phạm được xác định theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; loại đất sau khi vi phạm được xác định theo hiện trạng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
(2) Trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm quy định tại Điều 14 Nghị định này thì số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm được xác định bằng giá trị của phần diện tích đất lấn, chiếm trong thời gian vi phạm (kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất lấn, chiếm đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính), tính theo giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đối với loại đất đang sử dụng sau khi lấn, chiếm tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, được tính bằng công thức sau:
Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm = Diện tích đất vi phạm x Giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định x Số năm vi phạm
Tổng thời gian sử dụng đất theo quy định của bảng giá đất đối với loại đất đang sử dụng thuộc chế độ sử dụng đất có thời hạn; trường hợp thời hạn sử dụng đất lâu dài thì thời gian được tính là 70 năm
Như vậy, theo các quy định trên, việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định được xác định bằng giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp đất chưa được UBND cấp tỉnh quy định trong bảng giá đất thì không có cơ sở để tính số lợi bất hợp pháp.
Đề xuất, kiến nghị
Từ những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, kiên nghị xem xét sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các quy định chưa phù hợp trong Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch UBND cấp xã tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo hướng bổ sung thêm thẩm quyền áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn, chiếm, buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định…
Thứ hai, đề nghị quy định cụ thể hơn cách thức tính số lợi bất hợp pháp khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại Điều 7 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, nhất là trong trường hợp thực hiện hành vi lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định nhằm để ở (người vi phạm trực tiếp sử dụng vào mục đích để ở).
Thứ ba, quy định hoặc có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, nhất là trong các trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp khi thực hiện các biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu nhưng thực tế không thể khôi phục lại được hiện trạng ban đầu để canh tác, sử dụng vào mục đích nông nghiệp như trước do đất đã bị hủy hoại, biến dạng, để làm cơ sở cho địa phương có căn cứ pháp dụng.
 

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây