Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật tại tỉnh Thái Nguyên

Thứ tư - 06/07/2022 03:41 480 0
Năm 2017 Ban chấp hành Trung ương Đảng ra thông báo Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng với nhiệm vụ đề ra là “nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành luật; thống nhất đề xuất cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật” (Thông báo số 26-TB/TW ngày 19/4/2017).
Ngày 18/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (hiệu lực từ ngày 01/01/2021). Một trong những lý do để báo cáo giải trình với Quốc hội về sự cần thiết phải sửa đổi Luật là do Luật năm 2015 quy định chưa đầy đủ, nhất quán về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một hạn chế có tính cơ bản cần được thống nhất điều chỉnh cho phù hợp.
 
DSC03717 01

Với đề xuất đó, Trung ương nhận định Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 có trách nhiệm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc nâng cao trách nhiệm, bảo đảm sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật. Tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể, sâu sắc hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả cụ thể là Luật năm 2020 đã sửa 06 điều của Luật năm 2015 (Điều 47, 58, 92, 121, 130 và 139), trong đó bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra phải bảo đảm “Sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”.

Trên cơ sở tinh thần chỉ đạo đó, bên cạnh việc tổ chức triển khai những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể, sâu sát, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật tại địa phương. Theo đó, ngày 12/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp tích cực của công tác xây dựng pháp luật của các cấp chính quyền địa phương trong những năm gần đây, Chỉ thị đã xác đỉnh rất rõ những mặt hạn chế của công tác này.

Cụ thể, công tác xây dựng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tình trạng chậm ban hành văn bản triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên vẫn còn xảy ra; việc thực hiện quy trình xây dựng văn bản còn kéo dài; chất lượng một số dự thảo văn bản cũng như chất lượng ý kiến tham gia vào dự thảo văn bản chưa cao… Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nhận thức của một số cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, pháp luật còn chưa cao; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở một số nơi còn chưa nghiêm; công tác phối hợp trong thực hiện quy trình xây dựng văn bản chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; nguồn lực dành cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn có những hạn chế nhất định…

Trước những đánh giá đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra 08 nội dung chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về hoàn thiện đồng bộ thể chế là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong hoạt động tham mưu, đề xuất, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung chỉ đạo, thống nhất cùng với chính quyền cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện và kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chủ động đề xuất xây dựng chính sách và chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện chính sách; khi tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải căn cứ đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật, có sự tổng kết, đánh giá tình hình thực tiễn đối với nội dung văn bản điều chỉnh nhằm bảo đảm tính thống nhất, phù hợp, khả thi khi triển khai thi hành…

Từ tổng kết lý luận và thực tiễn cho thấy, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật thể hiện qua nhiều nội dung khác nhau, từ  hoạch định các đường lối, chủ trương phát triển đến lãnh đạo việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thi hành các đường lối, chủ trương đó; từ lãnh đạo việc thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật đến việc cho chủ trương, định hướng đối với những chính sách pháp luật lớn, quan trọng, phức tạp. Vai trò đó cần phải được thấm nhuần xuyên suốt trong các cấp lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương.

Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là chỉ đạo đầu tiên có tính chuyên đề dành cho công tác xây dựng pháp luật tại tỉnh Thái Nguyên. Vấn đề cấp thiết được đặt ra từ những chỉ đạo của Ban Thường vụ là cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tình hình cụ thể của tỉnh Thái Nguyên, sớm đưa tỉnh ta trở thành một trong những địa phương phát triển của khu vực miền núi phía Bắc theo đúng mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025.
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay17,333
  • Tháng hiện tại476,557
  • Tổng lượt truy cập10,608,701
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây