Thái Nguyên sau 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

Thứ sáu - 06/10/2023 05:45 390 0
Hòa giải ở cơ sở là nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, là hoạt động mang tính tự nguyện, tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Xuất phát từ những đặc điểm riêng của hoạt động hoà giải là vừa dựa trên cơ sở pháp luật, dựa trên nền tảng tư tưởng nhân nghĩa, song cũng linh hoạt vận dụng trong đời sống xã hội.
Hoạt động hòa giải ở cơ sở về bản chất là hướng dẫn, giúp đỡ thông qua việc thuyết phục, vận động các bên đi đến thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Vì vậy hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác hoà giải, đã có những biện pháp phù hợp nhằm duy trì, củng cố và phát triển công tác hoà giải, tạo cơ sở pháp lý cho công tác này không ngừng phát triển và phát huy tác dụng tích cực đối với đời sống thông qua việc quy định trong nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Hôn nhân gia đình đặc biệt là Luật Hòa giải ở cơ sở... chính sách khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác.
Luật  hòa giải ở cơ sở đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2013 và có hiệu lực kể từ ngày  01 tháng 01 năm 2014. Thực hiện Quyết định số 2611/QĐ-BTP ngày 04/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở, ngày 04/3/2014 Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, xác định việc triển khai thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, để đảm bảo tăng cường, thống nhất việc tổ chức triển khai thi hành Luật, tỉnh Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp ký kết các chương trình phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong việc phối hợp quản lý Nhà nước về công tác Hòa giải ở cơ sở như: Chương trình phối hợp số 381/CTPH-STP-SVHTT&DL-UBMTTQ, ngày 29/6/2018 giữa Sở Tư pháp, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về Quản lý Nhà nước về hòa giải, xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước.
Trong 10 năm qua, công tác phổ biến Luật hòa giải và các văn bản liên quan đảm bảo cho công tác Hòa giải ở cơ sở được duy trì thường xuyên, hiệu quả, các hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về hòa giải được triển khai trên địa bàn tỉnh bao gồm: tập huấn nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tuyên truyền bằng tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền thông qua tài liệu; sách hỏi đáp pháp luật; sổ tay nghiệp vụ, Bản tin Tư pháp, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; Hội thi Hòa giải viên giỏi; tuyên truyền trên Fanpage và trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh….Bên cạnh đó còn triển khai tuyên truyền pháp luật phục vụ việc trang bị kiến thức cho Hòa giải viên thông qua việc duy trì chuyên mục Hỏi đáp pháp luật trên Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Thái Nguyên và hệ thống Loa truyền thanh ở cơ sở. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật phục vụ trực tiếp cho công tác hòa giải ở cơ sở như: Luật Hòa giải ở cơ sở; Bộ Luật dân sự; Bộ luật hình sự; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật chăn nuôi; Luật trồng trọt; Luật Nhà ở…
Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, góp phần tích cực trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, ổn định trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kết quả hòa giải thành từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2023 đạt tỷ lệ 80%. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018, tỷ lệ hòa giải thành năm sau đều cao hơn năm trước.
Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở của các tổ hòa giải thường xuyên được rà soát, kiện toàn, đảm bảo đầy đủ về cơ cấu, số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.245 tổ hòa giải ở cơ sở với 16.502 hòa giải viên. Thành phần tổ hòa giải gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Trưởng các đoàn thể, Trưởng các chi hội, người có uy tín... Đội ngũ hòa giải viên đều là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về phong tục tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên ở cơ sở luôn luôn được quan tâm và triển khai thực hiện nghiêm túc, cụ thể: trong 10 năm qua cơ quan Tư pháp và Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức khoảng hơn 4.000 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với gần 2 triệu lượt người. Đặc biệt, năm 2016, tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi ở cấp tỉnh và 09 cuộc thi ở cấp huyện, thu hút 20.000 người tham dự, tại Hội thi cấp tỉnh đã trao 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 03 khuyến khích và 05 giải phụ; đồng thời lựa chọn 01 Đội tham dự Hội thi toàn quốc – Khu vực miền Bắc và đạt giải khuyến khích. Năm 2023 tỉnh Thái Nguyên tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV - Khu vực miền Bắc và đạt giải ba, giành vé đi vào vòng thi chung kết toàn quốc được tổ chức vào tháng 11/2023 tại thành phố Hà Nội.
Công tác kiện toàn tổ chức cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về hòa giải cũng được triển khai có hiệu quả theo đúng Luật Hòa giải ở cơ sở. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay có 340 cán bộ, công chức ngành tư pháp, trong đó, cấp tỉnh có 85 cán bộ, công chức, viên chức (viết tắt là CBCCVC), cấp huyện có 29 công chức làm công tác tư pháp, cấp xã có 246 công chức Tư pháp – Hộ tịch. Đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh v cơ bản được đào tạo bài bản, 100% công chức thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở có trình có trình độ chuyên môn về pháp luật.
Có thể nói việc triển khai, thi hành Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đánh dấu một bước phát triển mới quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng phức tạp về nội dung mâu thuẫn, tranh chấp. Tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên nên phần lớn các tổ hòa giải đều hoạt động có hiệu quả. Một số địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí nhất định phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên đã khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện hòa giải, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.
Trong 10 năm qua, cùng với sự vận động, phát triển của xã hội, các mâu thuẫn và tranh chấp trong nhân dân ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên nên hàng ngàn mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong nhân dân trên địa bàn tỉnh được các hòa giải viên kịp thời phát hiện và tiến hành hòa giải, góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ; giữ gìn, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn bình yên thôn xóm và giảm thiểu số vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Tòa án, tiết kiệm được công sức, tiền bạc của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn còn những tồn tại, hạn chế như kết quả công tác hòa giải chưa đồng đều trong phạm vi toàn tỉnh; tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn một số huyện vẫn còn thấp; kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở từ huyện đến cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, ở cơ sở chưa bố trí được kinh phí riêng cho công tác hòa giải; địa phương chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác hòa giải. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; tăng cường quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Tác giả bài viết: Hà Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập81
  • Hôm nay18,331
  • Tháng hiện tại545,550
  • Tổng lượt truy cập10,677,694
Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây