GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ NÂNG CAO NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ HOÀ GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ TRONG THỜI GIAN TỚI

Chủ nhật - 02/07/2023 23:57 670 0
Ngày 18/4/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” (sau đây gọi là Đề án) trong tháng 6/2023 Bộ Tư pháp và 63/63 tỉnh thành phố trên cả nước đã tổ chức tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án, theo báo cáo của Bộ Tư pháp cả nước từ Trung ương đến các địa phương đã có sự triển khai tích cực hoàn thành nhiều mục tiêu của Đề án, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định cần có giải pháp cụ thể để đưa công tác hoà giải ở cơ sở lên tầm cao hon nữa trong thời gian tới.
Thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” (sau đây gọi là Đề án). Theo báo cáo của Bộ Tư pháp để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án, 63/63 địa phương đã ban hành văn bản, kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thực hiện và giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án.
Thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm, các Sở Tư pháp đều chủ động tham mưu hoặc trực tiếp ban hành các Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, quán triệt, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở nói chung, việc triển khai Đề án nói riêng nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp, các đơn vị cấp huyện đã kịp thời tổ chức triển khai thực hiện Đề án, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện Đề án theo đúng mục tiêu, định hướng, với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Đồng thời tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của Nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; từ đó chủ động lựa chọn phương thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại cộng đồng. Đặc biệt, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần bảo đảm việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án được hiệu quả và nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tại một số địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị cùng cấp ban hành Chương trình, Kế hoạch liên tịch về việc phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc chỉ đạo các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã, Ban công tác Mặt trận triển khai, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở.
Công tác kiểm tra, tổng kết đánh giá việc thực hiện Đề án, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng hòa giải viên, tổ hòa giải được thực hiện nghiêm túc từ Trung ương đến các địa phương. Năm 2019, Báo Pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp tổ chức bình chọn, tôn vinh cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện pháp luật (Gương sáng pháp luật), đại diện cho hơn 500 hòa giải viên trên cả nước, hòa giải viên Nguyễn Văn Mảnh của tỉnh Hậu Giang được lựa chọn, tôn vinh là Người hòa giải viên tận tâm và trách nhiệm”.
Hoạt động biên soạn, biên dịch, phát hành tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ; tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên, tập huấn viên được các địa phương chủ động xây dựng, biên soạn các tài liệu phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó chú trọng về quy trình thực hiện hòa giải, các tình huống giả định điển hình cụ thể để các hòa giải viên có thể học tập kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn hòa giải các vụ việc cụ thể.
Công tác xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên về phương pháp bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng hòa giải ở cơ sở đã được 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước thực hiện nghiêm túc, theo đó, cả nước hiện có 341 tập huấn viên cấp tỉnh, 3.812 tập huấn viên cấp huyện với thành phần chủ yếu từ nguồn cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận) tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; Hội Luật gia, Thanh tra, Tòa án...Tại các địa phương, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện đã được triển khai dưới các hình thức linh hoạt: cấp phát tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp, trực tuyến…
Hoạt động xây dựng đội ngũ hòa giải viên; củng cố, kiện toàn tổ hòa giải; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên được triển khai đồng bộ, toàn diện ở 100% các tỉnh, thành trên cả nước, đến nay cả nước có 86.260 tổ hòa giải với tổng số 542.174 hòa giải viên. Số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải là khác nhau, nhưng trung bình từ 05 - 07 hòa giải viên/tổ hòa giải. Thành phần tham gia tổ hòa giải thường có Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư chi bộ, đại diện Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng các tổ chức đoàn thể tại thôn, tổ dân phố (như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư…). Số hòa giải viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong giai đoạn thực hiện Đề án là 1.164.402 lượt người (năm 2022 là 366.644 người, đạt tỷ lệ 67,8%) đã khắc phục được tình trạng “phần lớn hòa giải viên chưa thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết phục vụ hoạt động hòa giải” nêu tại Báo cáo số 265/BC-BTP ngày 27/9/2019 của Bộ Tư pháp đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Trung bình hàng năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%. Tỷ lệ hòa giải thành năm 2022 đạt 82,91% (tăng 0,38% so với năm 2018, tỷ lệ hòa giải thành năm 2018 đạt 82,53%).
Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân; có hiểu biết pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của chính quyền cơ sở. Có thể nhận thấy, đây là một lực lượng đông đảo, chưa kể các cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở, cán bộ nghỉ hưu, trưởng họ, trưởng tộc… những người có uy tín trong cộng đồng dân cư không phải là hòa giải viên nhưng đã tham gia tích cực vào việc hòa giải một cách tự nguyện.
Hoạt động tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên tại các địa phương được thực hiện thường xuyên, hàng năm, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức và hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho các hòa giải viên. Nhiều địa phương có số lượng hòa giải viên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cao như tỉnh An Giang, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Đồng Tháp, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hòa giải viên, các địa phương còn có nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức hội thi Hòa giải viên giỏi trên địa bàn tỉnh; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật cho Hòa giải viên; ban hành Quy định tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về hoạt động hòa giải ở cơ sở (tỉnh Tây Ninh); duy trì nề nếp, mỗi tháng từng tổ hòa giải họp một lần và định kỳ 3 tháng, cán bộ theo dõi công tác hòa giải của xã họp giao ban cùng các tổ hòa giải trong xã để trao đổi nghiệp vụ và nắm bắt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước mới ban hành; tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với dự án M-Score, chương trình phòng, chống tội phạm ma túy lồng ghép bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tại Thành phố Cần Thơ, tùy tình hình địa bàn mỗi quận, huyện, hoạt động tập huấn được chia nhỏ thành nhiều lớp thay vì tổ chức tập trung thành 01 lớp; trong từng đợt tập huấn, Sở Tư pháp mời đại diện ngành Tòa án, ngành Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trao đổi, giải đáp những vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý mà hòa giải viên thường gặp phải trong quá trình thực hiện hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; hoặc tổ chức diễn đàn lồng ghép thành 01 chuyên đề trong đợt tập huấn…
Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình hòa giải hiệu quả tại địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, như: mô hình Tổ hòa giải kiểu mẫu tại tỉnh Điện Biên, mô hình Câu lạc bộ hòa giải tại tỉnh Đồng Tháp, mô hình “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở” tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, mô hình “Tranh thủ tín nhiệm”, “Hòa giải có điều kiện”, “Phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ nhân dân” của tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh Tiền Giang, thông qua thực hiện thí điểm, một số đơn vị, địa phương có cách làm sáng tạo nổi bật như mô hình “Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu 100 điểm”; mô hình hòa giải 3T “Tuyên truyền - Thuyết phục - Thành quả” của 02 xã Tân Thành, Tăng Hòa thuộc huyện Gò Công Đông; mô hình hòa giải 3 Ph “Phát hiện - Phối hợp - Phổ biến” của xã Tân Thành, Tăng Hòa huyện Gò Công Đông và xã Long Chánh của Thị xã Gò Công; mô hình “Tổ hòa giải kiểu mẫu” tại Khu 4, xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa, mô hình “Dân vận khéo trong công tác hòa giải ở cơ sở” tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ; mô hình “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến” tại tỉnh Lạng Sơn; mô hình “Tổ hòa giải tiêu biểu xuất sắc” tại tỉnh Lào Cai, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” của Thành phố Hà Nội...
Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Đề án ở các địa phương có thể thấy, hoạt động triển khai Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng; các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu, phạm vi, nhiệm vụ, đối tượng của Đề án. các cơ quan Tư pháp địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức thực hiện Đề án phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Các cơ quan tư pháp đã chú trọng xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên. Việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của hòa giải viên, từ chỗ các hòa giải viên trước đây khi tham gia hòa giải còn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, mặc dù được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ hàng năm nhưng khi áp dụng vào thực tiễn đôi lúc còn lúng túng, chưa có chiều sâu,… Sau thời gian triển khai Đề án, theo đánh giá của các địa phương, các hòa giải viên thực hiện trách nhiệm hơn, tâm huyết hơn, nghiên cứu giải quyết thấu tình, đạt lý, tạo được sự đồng thuận của các bên tham gia hòa giải. Việc biên soạn, phát hành các loại tài liệu pháp luật và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở được các địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, đều đặn hơn, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tập huấn, bồi dưỡng; kinh phí bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Một số địa phương cũng đã chủ động, tích cực huy động được các nguồn lực xã hội hóa cho công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều mô hình hòa giải sáng tạo, sử dụng linh hoạt phương pháp, cách thức hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được áp dụng, tỷ lệ vụ, việc hòa giải thành tăng; từ đó khẳng định được vị trí, vai trò của công tác này trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.
Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cho công tác hòa giải ở cơ sở (ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, đầu tư nguồn lực, kinh phí…); công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện của hệ thống cơ quan tư pháp từ Trung ương đến cơ sở, sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với cơ quan, đơn vị có liên quan cùng cấp trong quá trình triển khai nhiệm vụ, nhất là sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Một số địa phương báo cáo cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đề ra, như: tỉnh An Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Sơn La, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Kiên Giang…
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả đã đạt được qua 5 năm triển khai Đề án cũng cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định đó là:
- Một số mục tiêu của Đề án chưa đạt được. Đề án đề ra mục tiêu “100% đội ngũ tập huấn viên cấp tnh được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở; 100% hòa giải viên tại các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của Trung ương được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải”. Thực tế, khi Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, hầu hết các địa phương cử không đủ tập huấn viên cấp tỉnh tham dự; việc tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên tại các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của Trung ương chỉ đạt 50%.
- Một số nhiệm vụ của Đề án chưa được thực hiện triệt để. Cụ thể:
+ Thực hiện chỉ đạo điểm của Bộ Tư pháp tại 08 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa hoàn thành: Chỉ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên tại 04 tỉnh chỉ đạo điểm; chưa xây dựng được mô hình tổ hòa giải tiêu biểu, xuất sắc tại tỉnh chỉ đạo điểm; chưa phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý, nghiệp vụ hòa giải các vụ, việc phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn và các vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải.
+ Chưa xây dựng được cơ chế hướng dẫn, khuyến khích đội ngũ Luật sư, Luật gia, người đang và đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, Thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ pháp lý cho tổ hòa giải ở cơ sở.
+ Chưa tổ chức được đoàn đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở, các mô hình hòa giải hiệu quả đang tại các quốc gia áp dụng thành công biện pháp hòa giải trong giải quyết tranh chấp tại cộng đồng.
- Việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai, tham mưu và tổ chức thực hiện Đề án ở một số địa phương còn chậm. Việc triển khai Đề án chủ yếu do cơ quan tư pháp thực hiện, chưa phát huy được sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan (như cơ quan dân vận, Tòa án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận).
- Việc triển khai chỉ đạo điểm và đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo điểm tại các địa phương chưa đạt yêu cầu.
- Mặc dù năng lực và kỹ năng của hòa giải viên đã được nâng cao hơn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới. Về cơ bản, hòa giải viên chưa hòa giải thành các vụ, việc tranh chấp phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn và các vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải.
- Đội ngũ những người có hiểu biết pháp luật, những người từng công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, đội ngũ luật gia, luật sư tham gia hòa giải ở cơ sở còn ít, chưa đồng đều ở các địa phương.
- Đội ngũ tập huấn viên tuy được quan tâm tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nhưng nhiều tập huấn viên còn thiếu kỹ năng truyền đạt, thiếu tự tin để tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên.
- Công tác xã hội hóa nguồn lực (nhân lực, kinh phí) cho công tác hòa giải ở cơ sở gặp nhiều khó khăn; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.
- Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, chặt chẽ.
- Công tác khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình có thành tích trong công tác hòa giải, hòa giải viên giỏi, tiêu biểu chưa được quan tâm.
          Sở dĩ vẫn còn những tồn tại hạn chế nêu trên, các địa phương và Bộ Tư pháp xác định là do các nguyên nhân:
- Chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, chưa thực sự quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở. Một bộ phận người dân chưa tin tưởng vào hiệu lực của kết quả hòa giải thành ở cơ sở, chưa biết đến thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nên nhiều khi tổ hòa giải đến giải quyết thì không được tôn trọng, không hợp tác và đưa vụ việc ra chính quyền, Tòa án giải quyết. Kinh phí phân bổ cho thực hiện Đề án còn hạn chế. Cấp huyện, cấp xã hầu như chưa bố trí nguồn kinh phí riêng để triển khai Đề án sử dụng chung trong nguồn kinh phí chi thường xuyên cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép với các hoạt động chuyên môn khác, trong khi nguồn kinh phí này cũng rất hạn chế. Sau đại dịch Covid-19, các địa phương tập trung nguồn lực (nhân lực và kinh phí) cho việc khắc phục hậu quả của dịch bệnh, phục hồi, phát triển nền kinh tế - xã hội nên công tác hòa giải ở cơ sở ít được quan tâm. Những người có kiến thức pháp luật (Luật sư, những người từng công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, Thẩm phán, Kiểm sát viên) ít tham gia hòa giải ở cơ sở do thù lao trong công tác này thấp hơn nhiều so với tham gia làm hòa giải viên thương mại, trọng tài hoặc hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan nêu trên cũng còn có những tác động không nhỏ của các nguyên nhân khách quan như: Đề án được ban hành ngày 18/4/2019 nên về cơ bản các địa phương và cả Trung ương không bố trí được kinh phí thực hiện Đề án trong năm 2019. Từ năm 2020 đến hết Quý I/2022 do ản h hưởng của đại dịch Covid-19, việc triển khai thực hiện Đề án bị chậm, gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho tập huấn viên, hòa giải viên và đoàn đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, mô hình hòa giải hiệu quả của nước ngoài. Thành viên tổ hòa giải thường xuyên thay đổi, dẫn đến một số hòa giải viên mới chưa được tập huấn, bồi dưỡng (người được tập huấn, bồi dưỡng lại xin thôi làm hòa giải viên). Cơ sở vật chất, kỹ thuật còn chưa bảo đảm; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số hòa giải viên còn thấp vì phần lớn hòa giải viên là người cao tuổi nên không biết hoặc chưa sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại thông minh, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

 Để hòa giải ở cơ sở khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong đời sống xã hội giải pháp đặt ra đó là trước hết phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp trong việc củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Thực tế đã cho thấy, ở địa phương nào có nhận thức đúng đắn, quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó, hiệu quả công tác này đạt cao.
Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác bầu hòa giải viên, đảm bảo lựa chọn những người có uy tín, có kiến thức pháp luật, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, có tinh thần trách nhiệm, khả năng vận động, thuyết phục. Bên cạnh đó, cần huy động sự tham gia của Nhân dân, nhanh chóng phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp để kịp thời tiến hành hòa giải, hạn chế việc để mâu thuẫn kéo dài, trầm trọng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Cùng với đó là cần phải phát huy tính tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; tiếp tục gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân nhân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở khu dân cư. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng, địa bàn; xác định đúng nhu cầu của đối tượng để lựa chọn hình thức, nội dung tập huấn, bồi dưỡng phù hợp. Nâng cao năng lực, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên theo hướng từng bước chuyên nghiệp hóa. Cần có cơ chế thỏa đáng cho đội ngũ này.
Song song với các giải pháp trên cần tăng cường truyền thông về công tác hòa giải ở cơ sở, về gương hòa giải viên tiêu biểu, điển hình để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác này, từ đó sử dụng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, đồng thời cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thỏa đáng cho đội ngũ hòa giải viên. Phải khẳng định rằng, hoạt động hòa giải của hòa giải viên ở cơ sở là hàn gắn những mối quan hệ xã hội đã bị phá vỡ, mang lại hạnh phúc, sự bình yên cho từng gia đình, khu dân cư, cộng đồng. Việc hòa giải kịp thời đã không để những tranh chấp bùng phát thành “điểm nóng”, sự việc nghiêm trọng, giữ gìn an ninh trật tự. Để làm được điều đó, hòa giải viên mất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu vụ việc, hướng dẫn, giải thích quyền và nghĩa vụ cho mỗi bên, động viên, khuyến khích các bên hợp tác hòa giải... Do đó, cũng rất cần được “hỗ trợ” về vật chất để động viên và khích lệ đội ngũ hòa giải viên. Ngoài ra cần phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến trong công tác hòa giải ở cơ sở; quan tâm tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thông qua các buổi họp, sinh hoạt tổ hòa giải, hội thi; kịp thời phát hiện, nhân rộng các hình, cách làm hiệu quả./.

Tác giả bài viết: Đình Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập80
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay7,013
  • Tháng hiện tại206,394
  • Tổng lượt truy cập15,167,474
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây