PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUA THI TÌM HIỂU PHÁP LUẬT

Thứ hai - 13/02/2023 22:30 1.015 0
Phổ biến, giáo dục pháp luật qua thi tìm hiểu
1. Khái niệm về thi tìm hiểu pháp luật
Thi tìm hiểu pháp luật là hình thức thi do cơ quan nhà nư­ớc, các tổ chức, các doanh nghiệp tổ chức nhằm động viên, khuyến khích đối tượng tìm đọc, nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đối t­ượng và nâng cao dân trí pháp lý.
Thi tìm hiểu pháp luật là một trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật vào cuộc sống, là hình thức sinh hoạt văn hoá pháp lý có sức hấp dẫn và hiệu quả.
2. Vai trò của thi tìm hiểu pháp luật
Thi tìm hiểu pháp luật là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hấp dẫn, có hiệu quả cao, được sử dụng nhiều.
Thi tìm hiểu pháp luật có ­ưu thế là dễ dàng mở rộng được phạm vi đối tượng tuyên truyền (bao gồm cả ngư­ời dự thi và ngư­ời theo dõi cuộc thi); đáp ứng được yêu cầu phổ cập pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, phát huy được tính tích cực, chủ động của đối t­ượng dự thi và giúp họ nhận thức sâu sắc hơn nội dung pháp luật cần tìm hiểu, từ đó nâng cao ý thức pháp luật cho họ.
Một lợi thế khác của thi tìm hiểu pháp luật là có thể sử dụng đ­ược nhiều loại phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức khác nhau và do đó có thể tổ chức đ­ược ở nhiều nơi, nhiều lúc, với phạm vi, mức độ khác nhau tuỳ theo yêu cầu và tình hình đặc điểm cụ thể.
Thông qua các hình thức thi, những nội dung pháp luật đư­ợc chuyển tải đến các đối tư­ợng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, sinh động hơn, tránh đ­ược sự cứng nhắc, khô khan; đối t­ượng tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thoải mái và hoàn toàn chủ động, hiểu biết về pháp luật và khả năng áp dụng pháp luật của đối t­ượng đư­ợc nâng cao hơn. Bên cạnh đó, kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật của ng­ười tổ chức cũng được gọt dũa, được tôi luyện, trở nên tinh hơn, hiệu quả hơn. Nhờ vậy, pháp luật có điều kiện lan toả, dễ đi vào cuộc sống hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn. Đây vừa là yêu cầu, đòi hỏi, vừa là vai trò của thi tìm hiểu pháp luật.
Thông qua thi tìm hiểu pháp luật, pháp luật được truyền tải đến cán bộ và nhân dân một cách trực tiếp và gián tiếp.
Trực tiếp chính là những đối tượng tham gia dự thi phải tìm hiểu pháp luật để làm bài, trả lời câu hỏi trên sân khấu.
Gián tiếp: tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc thi, thể lệ, câu hỏi thi trên các phương tiện thông tin đại chúng...qua đó pháp luật được tuyên truyền đến người dân.
3. Các loại hình thi tìm hiẻu
a) Thi nói  (thông qua các hình thức cụ thể như thi vấn đáp, sân khấu...)
Thi vấn đáp: Đây là hình thức thi mà ng­ười dự thi phải trả lời bằng miệng những câu hỏi của Ban Giám khảo về những nội dung pháp luật nào đó.
Vì vậy, thi vấn đáp là hình thức thi đòi hỏi người dự thi phải thu thập tài liệu pháp luật vừa phải hiểu và nắm vững các quy định pháp luật đó để có thể chủ động trả lời nhiều tình huống pháp luật được ban giám khảo đưa ra trên sân khấu. Vì các thí sinh không được sử dụng tài liệu pháp luật như hình thức thi viết, thời gian chuẩn bị trả lời câu hỏi rất ngắn nên phần trả lời của thí sinh trước Ban giám khảo là những kiến thức có thực của họ.
Tuy nhiên hình thức thi này đòi hỏi sự chuẩn bị công phu về nội dung và con người và đặc biệt là thời gian. Do đó, số lượng người tham gia dự thi bằng hình thức này sẽ không thể nhiều như đối với hình thức thi viết.
- Thi qua hình thức sân khấu: Là hình thức thi mà ng­ười dự thi (cá nhân hoặc tập thể) dùng sân khấu (sàn diễn) để thực hiện phần thi của mình. Ng­ười dự thi đồng thời là diễn viên chính, trong nhiều tr­ường hợp vừa là người xây dựng kịch bản. Do vậy, họ phải có một trình độ biểu diễn nghệ thuật nhất định mới hoàn thành đ­ược phần thi của mình. Họ cũng có điều kiện thể hiện được kiến thức, trình độ pháp luật cùng tài năng nghệ thuật và khả năng khác mà họ có. Hình thức thi này đòi hỏi sự chuẩn bị công phu về nội dung và hình thức thể hiện.
Thi qua sân khấu có thể khắc phục được nhược điểm chung của thi tìm hiểu pháp luật là khô khan, khó hấp dẫn người theo dõi cuộc thi và phần nào đó là đối với người thi. Vì như trên đã phân tích, đặc điểm của hình thức thi qua sân khấu là có sự lồng ghép giữa pháp luật và nghệ thuật. Do đó, ở hình thức này pháp luật được truyền tải tới người dự thi và người theo dõi cuộc thi nhẹ nhàng và tinh tế hơn.
Tuy nhiên, hình thức thi này đòi hỏi thời gian tổ chức thi kéo dài từ 1-2 ngày tập trung tại Hội trường nhưng đối với thí sinh bắt buộc phải hoàn thành phần thi của mình trong một thời gian nhất định. Hơn nữa, nó đòi hỏi ngư­ời dự thi phải có một trình độ nghệ thuật (và phần nào là năng khiếu) trong khi phần lớn ngư­ời dự thi lại không có đủ trình độ này và tốn kém về mặt kinh phí.
Thi sân khấu th­ường được sử dụng tại các cuộc thi nh­ư "Hoà giải viên giỏi", "Tuyên truyền viên pháp luật giỏi", "Hộ tịch viên giỏi", "Giáo viên giáo dục công dân - pháp luật giỏi", "Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, ph­ường, thị trấn với pháp luật" …
b) Thi viết
Là hình thức thi mà ng­ười dự thi trả lời các câu hỏi về những nội dung pháp luật nhất định bằng việc thể hiện lên giấy những hiểu biết của mình về các nội dung pháp luật đó.
Thi viết đ­ược sử dụng trong trường hợp cần tuyên truyền, phổ biến trên diện rộng những nội dung của một văn bản pháp luật nhất định (thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 1995, thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 1999... Hình thức thi này đư­ợc nhiều địa phương, đơn vị cơ sở, trường học, Sở Tư pháp (nhất là các Sở Tư pháp) tổ chức.
Hình thức này có thể áp dụng cho các cuộc thi khác nhau, ở những phạm vi và đối tư­ợng khác nhau. Nhiều ngư­ời có thể cùng tham dự, cùng làm bài thi. Người dự thi có điều kiện nghiên cứu văn bản, thảo luận, bàn bạc, thống nhất nội dung trả lời.
c) Thi trắc nghiệm:
Đây là hình thức thi mà ngư­ời dự thi trả lời các câu hỏi thi bằng việc lựa chọn phư­ơng án phù hợp trong các phư­ơng án đã đư­ợc Ban tổ chức chuẩn bị sẵn. Hình thức này có ưu điểm là nhanh, gọn và tạo được sự tự tin và cảm giác thoải mái cho người dự thi. Nhưng nhược điểm của nó là ngư­ời tổ chức thi phải mất nhiều công sức chuẩn bị nhiều phư­ơng án trả lời. Đồng thời, hình thức thi này có hạn chế nữa là người dự thi nhiều khi lựa chọn phương án trả lời theo cảm tính và ý chí chủ quan của mình chứ chưa chắc là do hiểu biết pháp luật.
Có 2 hình thức thi trắc nghiệm: trắc nghiệm trên giấy và trắc nghiệm điện tử. Trắc nghiệm điện tử có thể được thực hiện qua mạng hoặc qua hình thức thi trực tiếp trên sân khấu.
Như trên đã phân tích, thi trắc nghiệm trên giấy có ưu điểm dễ thu hút người tham gia dự thi vì tiết kiệm thời gian và công sức nhưng vẫn thể hiện khá đầy đủ sự hiểu biết pháp luật của họ. Tuy nhiên, trên thực tế, hình thức thi này rất ít được triển khai vì tính hiệu quả của loại hình này. Tương tự như hình thức thi viết, hình thức thi này rất dễ dẫn đến tình trạng sao chụp bài của nhau.
Thi trắc nghiệm điện tử qua mạng là một hình thức thi cần được mở rộng trong thời gian tới. Trắc nghiệm qua mạng với ngân hàng dữ liệu câu hỏi sẽ giúp người thi tự kiểm tra kiến thức bằng cách trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và các phương án trả lời được cho sẵn, chương trình sẽ tự động tính điểm dựa trên câu trả lời của người thi và cho điểm. Qua đó, người thi sẽ tự đánh giá được kiến thức của mình.
Ưu điểm của hình thức thi này là người tham gia dự thi có thể trả lời câu hỏi ở bất kỳ thời gian nào phù hợp với điều kiện của họ và thời gian cho phép của cuộc thi; sự hiểu biết pháp luật của người thi được thể hiện ngay bằng số điểm hiện trên máy tính sau khi đã hoàn thành phần trả lời. Bên cạnh đó, hình thức thi này tiết kiệm thời gian, công sức và các chi phí về vật chất.
Hiện nay, đã có một số cơ quan, bộ, ngành đã đưa các phần mềm thi trắc nghiệm tìm hiểu kiến thức lên mạng như chương trình “thi trắc nghiệm kiến thức qua mạng Internet”.
Tuy nhiên, hình thức này cũng có nhược điểm riêng, đó là chỉ phù hợp với đối tượng cán bộ công chức, học sinh, sinh viên - là những người có trình độ hiểu biết kiến thức nói chung và pháp luật nói riêng tương đối cao. Đồng thời, đối tượng này được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin. Với các đối tượng khác, đặc biệt là đối với điều kiện, trình độ của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc hiện nay sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật thông qua hình thức này.
Đối với Việt Nam, hình thức thi trên mạng còn rất mới mẻ, chư­a được sử dụng nhiều. Trong tư­ơng lai, hình thức thi này nếu tổ chức tốt sẽ trở thành hình thức thi có hiệu quả.
Thi trắc nghiệm trực tiếp trên sân khấu là một hình thức thi khá phổ biến hiện nay. Ưu điểm của hình thức này là sự sôi nổi, hào hứng của các thí sinh khi được trả lời trực tiếp trên sân khấu. Thí sinh thuận lợi hơn khi các phương án trả lời đã được Ban giám khảo đưa ra để lựa chọn. Đáp án của các thí sinh thể hiện kiến thức pháp luật thực có của các thí sinh đó. Pháp luật tuyên truyền thông qua hình thức thi này không chỉ hiệu quả đối với người tham gia cuộc thi mà còn hiệu quả đối với những người theo dõi cuộc thi.
Cách thức thi trắc nghiệm trực tiếp trên sân khấu tiến hành như sau: Người dẫn chương trình đọc câu hỏi và đưa ra các phương án để thí sinh lựa chọn. Câu hỏi và phương án trả lời đồng thời được chiếu lên màn hình để thí sinh tiện theo dõi. Tuy nhiên, để chương trình hấp dẫn hơn, các câu hỏi hoặc tình huống sẽ không chỉ dừng ở việc người dẫn chương trình đọc mà được thể hiện qua tiểu phẩm do diễn viên đóng.
Thi trắc nghiệm trực tiếp trên sân khấu có thể là các đội tham gia cuộc thi hoặc cá nhân đại diện cho một tập thể tham gia cuộc thi. Kinh nghiệm các cuộc thi cho thấy Ban tổ chức cuộc thi nên lựa chọn thi theo đội thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Chương trình VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp đã với Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về thuế. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm trên sân khấu. Câu hỏi và tình huống được đưa ra thông qua người dẫn chương trình và tiểu phẩm do những diễn viên chuyên nghiệp đóng rất hấp dẫn người tham gia cuộc thi và người theo dõi cuộc thi.
d) Thi trên mạng internet
Internet (viết tắt từ International Network) là một mạng thông tin diện rộng, bao trùm toàn cầu, hình thành trên cơ sở kết nối các máy tính điện tử.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh nh­ư hiện nay thì việc sử dụng mạng lưới thông tin hiện đại phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong đó có thi tìm hiểu pháp luật là một nhu cầu cấp thiết và không phải là quá xa lạ đối với Việt Nam. Thi trên mạng là việc người dự thi chỉ cần ngồi tr­ước máy nhận nội dung yêu cầu thi từ Ban tổ chức (cũng qua máy) và trực tiếp trả lời hoặc trả lời sau đó, tuỳ yêu cầu cụ thể của Ban tổ chức.
Cần phân biệt hình thức thi này với các cuộc thi tìm hiểu pháp luật khác được phát trên mạng l­ưới truyền hình là hình thức thi bằng sân khấu, được truyền tải qua sóng truyền hình. Tuy nhiên, hình thức thi này vẫn là hình thức thi trong tương lai dù là trong t­ương lai gần. Hiện tại, điều kiện thực tế của Việt Nam ch­ưa cho phép chúng ta thực hiện trên diện rộng hình thức này.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây