BIÊN SOẠN TỜ GẤP TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Thứ hai - 13/02/2023 22:48 914 0
Biên soạn tờ gấp truyên truyền pháp luật
1. Khái niệm, vị trí, vai trò của tờ gấp pháp luật
1.1. Khái niệm
 Tờ gấp tuyên truyền pháp luật là một loại tài liệu tuyên truyền pháp luật được biên soạn một cách ngắn gọn, rõ ràng trên khuôn khổ một tờ giấy nên dễ dàng, thuận tiện trong sử dụng, là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả.
1.2. Đối tượng sử dụng
So với các loại tài liệu phổ biến pháp luật khác như đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật, bản tin... thì tờ gấp pháp luật có đối tượng sử dụng rộng rãi hơn,  từ cán bộ, công chức, người lao động, người sử dụng lao động, học sinh, sinh viên cho đến toàn thể nhân dân.
1.3. Ưu điểm của tờ gấp pháp luật:
-  Tờ gấp pháp luật hấp dẫn người đọc bằng hình thức thể hiện: in nhiều màu, có tranh ảnh minh họa, trình bày rõ ràng...
- Đầy đủ, chính xác, cụ thể về nội dung của vấn đề đưa vào tờ gấp tuyên truyền pháp luật như: những điều cấm, những điều được làm, nên làm, quy chế, thủ tục tiến hành công việc, chức năng, thẩm quyền của các cơ quan hữu quan trong một lĩnh vực nào đó…
-  Thuận tiện cho việc sử dụng.
1.4. Một số hạn chế của tờ gấp pháp luật:
- Nội dung ngắn nên hạn chế về lượng thông tin.
- Giá trị sử dụng không được lâu bằng các tài liệu pháp luật khác.
2. Những kỹ năng chủ yếu trong việc làm tờ gấp tuyên truyền pháp luật.
2.1.  Biên soạn nội dung
- Căn cứ vào nhu cầu và đối tượng sử dụng, người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm lựa chọn những nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng để đưa vào tờ gấp.
Ví dụ: Tờ gấp tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Có thể được chia thành:
Phần chung:  Quyền và nghĩa vụ của người lao động
Phần riêng:  Quyền và nghĩa vụ của người lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi...
- Cách thức thể hiện nội dung vào tờ gấp:
+  Hỏi - đáp trực tiếp.
+  Trả lời gián tiếp thông qua các tình huống pháp luật.   
2.2.  Xác định khuôn khổ của tờ gấp
Kích thước của tờ gấp được hiểu là chiều dài và chiều rộng của tờ gấp khi tờ gấp ở trạng thái trải ra hoàn toàn. Kích thước của tờ gấp phụ thuộc vào nội dung tờ gấp.
Nên ưu tiên tờ gấp có kích thước bằng khổ giấy A4, vì có  thể dùng tờ gấp này làm tờ mẫu phôtô nhân bản trên giấy A4 phát rộng rãi cho đối tượng tuyên truyền. Từ kích thước tờ gấp người ta dễ dàng chọn được số bình cho tờ gấp sao cho khi gấp lại tờ gấp có hình dáng sát với hình chữ nhật tiêu chuẩn.Ví dụ: tờ gấp khổ A4 khi gấp lại được 3 bình với kích thước 21 x 10.
2.3.  Bố cục tờ gấp (lên ma két) :
Bố cục tờ gấp gồm bố cục bìa, phần nội dung cho các trang, trám tranh, ảnh cho các trang, đặt tít của tờ gấp, tít của từng phần, chọn chữ, chọn màu và phân bố, làm vi-nhét cho từng trang.
Nếu coi tờ gấp có mặt trong, mặt ngoài và đánh số 1 vào trang đầu của mặt trong rồi lần lượt từ trong ra ngoài thì thường gấp tờ gấp sao cho trang cuối cùng là bìa trước, trang áp cuối là bìa sau. Tuy nhiên, với cách gấp khác hoặc với tờ gấp 5 bình, bình thì việc xác định bìa trước, bìa sau có thể thay đổi. Bìa trước ghi tên của tờ gấp và tranh hoặc ảnh nhằm gây ấn tượng về chủ đề của tờ gấp. Bìa sau cũng có tác dụng làm tăng tính thẩm mỹ tờ gấp bằng những  khẩu hiệu, danh ngôn, tranh, ảnh…
Khi phân nội dung cho các trang, cố gắng để mỗi trang thể hiện được một phần nội dung của tờ gấp và giữa các phần có thứ tự lôgíc với nhau. Tít của từng phần có thể theo tên chương, mục của văn bản hoặc tự đặt sát với nội dung của nó. Việc trám tranh, ảnh vào các trang không những gây ấn tượng về nội dung mà còn làm tăng tính hấp dẫn của tờ gấpViệc thay đổi kiểu chữ, cỡ chữ, chọn màu, phân bố màu, làm vi nhét cho tờ gấp . . . là những việc có tính chất mỹ thuật; nếu có điều kiện nên mời họa sĩ tham gia để tờ gấp được trình bày đẹp và hợp lý.
3. Tổ chức làm tờ gấp tuyên truyền pháp luật
3.1. Xây dựng kế hoạch làm tờ gấp tuyên truyền pháp luật.
Thông thường việc làm tờ gấp tuyên truyền pháp luật phải được đưa vào kế hoạch công tác năm của cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua, văn bản của địa phương, nhu cầu tuyên truyền, phổ biến pháp luật của ngành, địa phương, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chủ trương tăng cường quản lý trong ngành hoặc địa phương.
Tờ gấp tuyên truyền pháp luật cũng có thể phát hành để tuyên truyền, phổ biến lại một văn bản, hoặc phát hành đột xuất khi nhiệm vụ chính trị yêu cầu.
Cơ sở để làm tờ gấp tuyên truyền pháp luật là bản kế hoạch được lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt.
Nội dung bản kế hoạch này gồm:
-  Mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và sự cần thiết phải phát hành tờ gấp tuyên truyền pháp luật.
- Đối tượng sử dụng.
- Nội dung tờ gấp (đề cương chi tiết).
- Hình thức thể hiện.
- Các thông số cơ bản của tờ gấp: kích thước, số bình, số tranh ảnh trám vào tờ gấp, số màu sử dụng, số phát hành…
- Tổ chức triển khai kế hoạch (phân công người biên soạn, người biên tập, duyệt nội dung).
- Tiến độ, thời gian và kinh phí thực hiện.
3.2.  Thiết kế tờ gấp tuyên truyền pháp luật
Sau khi đã hoàn chỉnh nội dung của tờ gấp, người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện một số công việc sau:
- Liên hệ với họa sĩ để thiết kế mẫu tờ gấp.
- Trình lãnh đạo cơ quan, đơn vị duyệt mẫu tờ gấp.
3.3.  Làm các thủ tục xuất bản tờ gấp tuyên truyền pháp luật:
Mẫu tờ gấp sau khi được phê duyệt, người được giao nhiệm vụ cần tiến hành một số công việc sau:
- Xin giấy phép xuất bản.
- Ký hợp đồng với nhà in, theo dõi việc in ấn.
- Nộp lưu chiểu theo quy định của pháp luật.
3.4. Tổ chức phát hành tờ gấp tuyên truyền pháp luật
Việc tổ chức phát hành tờ gấp cần căn cứ vào yêu cầu, mục đích và đối tượng cần tuyên truyền đã được xác định trong kế hoạch.Việc phát hành tờ gấp có thể gửi trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng hoặc thông qua cơ quan, tổ chức để cấp phát cho đối tượng.  

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây