Tháng 5 nhớ về Bác Hồ muôn vàn kính yêu - người đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc Việt Nam.

Thứ năm - 19/05/2022 01:37 1.153 0
Trong những ngày tháng 5, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và bà con ta ở nước ngoài đang hướng về Bác với tất cả lòng thành kính và biết bao sự thương nhớ, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Bác. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam .
t3Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác Tư pháp, đối với cán bộ Tư pháp, Bác không chỉ đòi hỏi phải chí công vô tư mà còn phải biết phụng công, thủ pháp. Cán bộ tư pháp là những người phụ trách thi hành pháp luật, nên lẽ dĩ nhiên, phải hết lòng vì cái chung, vì nhân dân mà bảo vệ pháp luật, bảo đảm sự công bằng, công minh trong việc áp dụng pháp luật với tinh thần cao nhất. Với tinh thần đó, nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2022) chúng ta cùng ôn lại những lời căn dặn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã dành cho cán bộ, công chức ngành Tư pháp Việt Nam.
 
Năm 1948, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần đầu tiên và do không trực tiếp dự hội nghị nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đến hội nghị như sau:
“…Công việc tư pháp cũng như mọi công việc khác là càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những sự trở ngại và những khuyết điểm nó còn sót lại. Và ta phải càng cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và khuyết điểm ấy.
Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân.
… Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của Chính quyền, cho nên càng phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung cho cả tư pháp và hành chính.
Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp 1950, Bác trực tiếp tham dự và phát biểu: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền góp phần thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Bác căn dặn cán bộ Tư pháp…”. Bác căn dặn cán bộ Tư pháp “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …”.

Học tập và làm theo tấm gương của Người, mỗi cán bộ, công chức Tư pháp chúng ta hôm nay càng thấm thía hơn những lời dạy của Người dành cho ngành Tư pháp trong công tác chuyên môn cũng như trong quan hệ, xử sự hằng ngày. Và qua đó càng ý thức hơn vai trò, vị trí của mình, của ngành Tư pháp trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

Tác giả bài viết: Phòng PBGDPL&TDTHPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây