Theo đánh giá tại tỉnh Thái Nguyên, việc phát triển hạ tầng số vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp viễn thông chưa thực sự chú trọng đến công tác ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp ngoại vi; tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật còn thấp; chất lượng phủ sóng di động và cáp quang internet băng rộng tại một số khu vực chưa đạt yêu cầu; việc xây dựng và phát triển các trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) vẫn gặp nhiều khó khăn trong khi hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ ứng dụng thực tiễn còn chưa phát triển mạnh mẽ.
Ngày 22/01/2025, Chủ tich UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đã ký Chỉ thị số 02/CT-UBND về thúc đẩy phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với những chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục những hạn chế nói trên và thúc đẩy sự phát triển hạ tầng số tại tỉnh Thái Nguyên, nhằm mục tiêu xây dựng một hệ thống hạ tầng số tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo an toàn, bảo mật và phát triển bền vững, góp phần vào quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển hạ tầng số là một trong ba trụ cột chính của chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu bùng nổ dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hạ tầng kỹ thuật số (hay hạ tầng số) là tập hợp các cơ sở vật chất, công nghệ và nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho việc thu thập, truyền tải, lưu trữ, quản lý và xử lý dữ liệu trong môi trường số. Với nguyên lý là "xương sống" cho các quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, Chỉ thị số 02/CT-UBND về thúc đẩy phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được coi là chỉ đạo cần thiết và có tính thường xuyên. Ngoài việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành trực tiếp có hoạt động quản lý nhà nước liên quan Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, Chỉ thị quán triệt chung đối với thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp, các đơn vị liên quan phải nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:
1. Tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật về lĩnh vực hạ tầng số: Luật Viễn thông ngày 24/11/2023; Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 24/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 09/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng các công trình giao thông, các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, nhà chung cư, nhà ở xã hội, khu đô thị mới phải ưu tiên và bắt buộc có không gian, hạ tầng kỹ thuật dùng chung dành cho lắp đặt công trình kỹ thuật viễn thông; hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng các công trình kỹ thuật viễn thông thụ động theo thẩm quyền. Khi quy hoạch, chuẩn bị đầu tư các dự án, xây dựng công trình phải thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông biết để phối hợp đầu tư, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả.
3. Cho phép các công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật.
4. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai lắp đặt bổ sung hạ tầng phục vụ phát triển mạng 5G. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đầu tư triển khai 5G, phát triển các ứng dụng 5G (use cases) phục vụ các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội.
5. Tiến hành đánh giá đầy đủ hiện trạng hạ tầng Internet vạn vật (IoT) đã đầu tư của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trực thuộc; xác định được nhu cầu ứng dụng IoT trong các lĩnh vực như đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, năng lượng, điện, nước, đô thị, quan trắc tài nguyên, môi trường,...lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện thực tế. Triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số./.