TÌM HIỂU QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP, BỔ TRỢ TƯ PHÁP; HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH; THI HÀNH ÁN DÂN SỰ; PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ (HỎI – ĐÁP)

Thứ năm - 06/05/2021 05:13 2.718 0
Câu hỏi: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được quy định trong văn bản nào?
Trả lời
1. Ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Nghị định số 82/2020/NĐ-CP)
Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau đây:
a) Bổ trợ tư pháp, bao gồm: luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại;
b) Hành chính tư pháp, bao gồm: hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký biện pháp bảo đảm; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
c) Hôn nhân và gia đình;
d) Thi hành án dân sự;
đ) Phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
 Câu hỏi: Nghị định số 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm nào?
Trả lời
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020 và thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 gồm 09 chương, 91 điều, cụ thể:
Chương I. Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4)
Chương II. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (từ Điều 5 đến Điều 33)
Chương III. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xủ phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực hành chính tư pháp (từ Điều 34 đến Điều 57)
Chương IV. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình (từ Điều 58 đến Điều 63)
Chương V. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thi hành án dân sự (từ Điều 64, Điều 65)
Chương VI. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (từ Điều 66 đến Điều 80)
Chương VII. Các hành vi vi phạm khác (Điều 81)
Chương VIII. Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính (từ Điều 82 đến Điều 88)
Chương IX. Điều khoản thi hành (từ Điều 89 đến Điều 91)
Câu hỏi: Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã xảy ra trước thời điểm Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì xử lý như thế nào?
Trả lời
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý. Trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ.
Câu hỏi: Cá nhân, tổ chức nào sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP?
Trả lời
Điều 2 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định các đối tượng bị xử phạt hành chính gồm:
“1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt gồm:
a) Tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật; tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; văn phòng giám định tư pháp; tổ chức đấu giá tài sản; tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; tổ chức có tài sản đấu giá; trung tâm trọng tài; chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài; chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; trung tâm hòa giải thương mại; chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm hòa giải thương mại; tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng thừa phát lại; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
b) Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã tiến hành thủ tục phá sản; ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản;
d) Cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật với cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế liên chính phủ và tổ chức phi chính phủ nước ngoài;
đ) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
e) Các tổ chức khác có hành vi vi phạm trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”.
 Câu hỏi: Theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả nào?
Trả lời
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì theo quy định tại Điều 3, Nghị định 82/NĐ-CP sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
“1. Hình thức xử phạt chính:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, e và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định các biện pháp khắc phục hậu quả khác áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII, bao gồm:
a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;
b) Buộc tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thực hiện chứng thực thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, chứng thực;
c) Buộc thu hồi và huỷ bỏ giấy tờ, văn bản, tài liệu, chứng cứ giả;
d) Buộc tổ chức hành nghề công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng, văn bản đã được chứng thực;
đ) Buộc cơ quan thực hiện chứng thực đang lưu trữ hồ sơ chứng thực thông báo trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về bản dịch đã được chứng thực;
e) Huỷ bỏ kết quả đấu giá tài sản đối với tài sản công;
g) Buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục để đề nghị hủy kết quả đấu giá theo quy định trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công;
h) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét việc hủy kết quả đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công;
i) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét việc sử dụng kết luận giám định khi phát hiện vi phạm làm ảnh hưởng đến nội dung của kết luận giám định;
k) Thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi thừa phát lại đăng ký hành nghề về vi bằng đã được lập do có hành vi vi phạm;
l) Buộc chịu mọi chi phí để khôi phục lại tình trạng ban đầu;
m) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh và chi phí khác (nếu có);
n) Buộc nộp lại số tiền tạm ứng, kinh phí bồi thường;
o) Buộc thu hồi các khoản đã thanh toán hoặc bù trừ không đúng quy định của pháp luật;
p) Buộc huỷ bỏ tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.”
 Câu hỏi: Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định như thế nào về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm?
Trả lời
Điều 4, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã như sau:
1. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40.000.000 đồng.
3. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
6. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.
 Câu hỏi: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP?
Trả lời
Khoản 3 Điều 83 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
1. Phạt cảnh cáo;
2. Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp;
3. Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý;
4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
5. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định, cụ thể: ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, e và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả khác áp dụng bao gồm:
a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;
b) Buộc tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thực hiện chứng thực thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, chứng thực;
c) Buộc thu hồi và huỷ bỏ giấy tờ, văn bản, tài liệu, chứng cứ giả;
d) Buộc tổ chức hành nghề công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng, văn bản đã được chứng thực;
đ) Buộc cơ quan thực hiện chứng thực đang lưu trữ hồ sơ chứng thực thông báo trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về bản dịch đã được chứng thực;
e) Huỷ bỏ kết quả đấu giá tài sản đối với tài sản công;
g) Buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục để đề nghị hủy kết quả đấu giá theo quy định trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công;
h) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét việc hủy kết quả đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công;
i) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét việc sử dụng kết luận giám định khi phát hiện vi phạm làm ảnh hưởng đến nội dung của kết luận giám định;
k) Thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi thừa phát lại đăng ký hành nghề về vi bằng đã được lập do có hành vi vi phạm;
l) Buộc chịu mọi chi phí để khôi phục lại tình trạng ban đầu;
m) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh và chi phí khác (nếu có);
n) Buộc nộp lại số tiền tạm ứng, kinh phí bồi thường;
o) Buộc thu hồi các khoản đã thanh toán hoặc bù trừ không đúng quy định của pháp luật;
p) Buộc huỷ bỏ tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
 Câu hỏi.  Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP?
Trả lời
Theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
1. Phạt cảnh cáo;
2. Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình;
3. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt nêu trên;
4. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; các điểm a, b, đ, l, m và n khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;
- Buộc tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thực hiện chứng thực thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hợp đồng, giao dịch đã được công chứng, chứng thực;
- Buộc cơ quan thực hiện chứng thực đang lưu trữ hồ sơ chứng thực thông báo trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về bản dịch đã được chứng thực;
- Buộc chịu mọi chi phí để khôi phục lại tình trạng ban đầu;
- Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh và chi phí khác (nếu có);
- Buộc nộp lại số tiền tạm ứng, kinh phí bồi thường.
Câu hỏi. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP?
Trả lời
Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
1. Phạt cảnh cáo;
2. Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình;
3. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt nêu trên.
Câu hỏi: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Tư pháp theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 84 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Sở Tư pháp có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thi hành án dân sự; đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp;
c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
 Câu hỏi: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra viên Tư pháp theo quy định của Nghị định 82/2020/NĐ-CP?
Trả lời
Tại khoản 1 Điều 84 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, thanh tra viên Tư pháp đang thi hành công vụ có quyền:
1. Phạt cảnh cáo;
2. Phạt tiền đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp;
3. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt nêu trên.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Khanh, Phòng PBGDPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây