Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thứ ba - 04/06/2024 04:29 684 0
Ngày 25/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Từ thực tiễn thi hành 02 Nghị định được sửa đổi, bổ sung cho thấy còn một số khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Cụ thể như sau:
(i) Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay như quy định về khái niệm “chính sách”, “đánh giá tác động của chính sách”; nội dung, phương pháp đánh giá tác động của chính sách; việc đề xuất ban hành  văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; lập, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy định chi tiết và lập, công bố văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực.
(ii) Một số quy định thiếu cụ thể, rõ ràng dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất (như thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản QPPL; việc xử lý thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…) hoặc chỉ quy định lại quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL (như quy định đánh giá tác động của chính sách trong giai đoạn soạn thảo; trách nhiệm lấy ý kiến đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản QPPL …) hoặc chưa thống nhất với quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL (như quy định về hình thức tổ chức thẩm định dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh…).
(iii) Một số nội dung còn thiếu trong 02 Nghị định cần bổ sung để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thi hành văn bản QPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật như trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc rà soát, xác định nội dung được giao quy định chi tiết thi hành nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; trách nhiệm truyền thông chính sách trong lập đề nghị và soạn thảo văn bản QPPL …
Để giải quyết những vấn đề trên, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Về nội dung cụ thể, dự thảo quy định việc sửa đổi, bổ sung 29 điều, khoản, điểm của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP; bổ sung, thay thế một số mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP; bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP (quy định việc bổ sung 03 mẫu vào Phụ lục V; thay thế 04 mẫu gồm: Mẫu số 42 Phụ lục I, Mẫu số 01, 02, 03 Phụ lục V; bãi bỏ từ, cụm từ tại 04 điều, bãi bỏ một phần của 01 điều và bãi bỏ toàn bộ 03 điều).
Nghị định được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2024, đúng thời điểm các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đang gấp rút nghiên cứu, tham mưu thực hiện Công điện số 53/CĐ-TTg ngày 26/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng; song song với việc tham mưu trình các nghị quyết QPPL của tỉnh Thái Nguyên tại Kỳ họp thường lệ năm 2024 HĐND tỉnh (dự kiến họp từ ngày 26 - 28/6/2024).

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu Phòng XD&KTr VB QPPL - Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây