Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luậthttps://pbgdplthainguyen.gov.vn/uploads/botuphap.png
Thứ năm - 15/05/2025 23:0660
Theo Điều 1 Luật Công đoàn năm 2024, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đại diện cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, tham gia các phong trào thi đua, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và để tương thích với nội dung sửa đổi tại Điều 9 của Hiến pháp thì tổ chức Công đoàn và quyền đặc biệt của các tổ chức chính trị - xã hội (quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của Quốc hội) là một trong các nội dung sửa đổi của dự thảo Nghị quyết.
1. Sửa đổi, bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam (Điều 10 của Hiến pháp năm 2013) Để bảo đảm sự kế thừa hợp lý của các bản Hiến pháp trong việc ghi nhận vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn, thống nhất với quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 và nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 như đã nêu ở trên, phù hợp với tổ chức công đoàn sau khi thực hiện sắp xếp, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; trên thực tế, đã xuất hiện tình trạng có những tổ chức bất hợp pháp mượn danh đại diện cho người lao động Việt Nam để đề nghị tham gia các tổ chức quốc tế về lao động và công đoàn với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn. Do vậy, cần có những sửa đổi, bổ sung để ghi nhận vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn để khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Theo tinh thần đó, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, đề nghị bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam tại Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn. 1. Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 84 của Hiến pháp năm 2013) Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 theo hướng chỉ quy định về quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà không tiếp tục quy định quyền này cho các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận để bảo đảm thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tại Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với tổ chức bộ máy của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi sắp xếp, tinh gọn các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, nghiên cứu, xem xét và quyết định việc trình dự án luật, dự án pháp lệnh khi thấy cần thiết và có đủ điều kiện thực hiện. Các nội dung thuyết minh về sửa đổi quy định về tổ chức Công đoàn và quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội là tài liệu cần thiết để nghiên cứu sâu hơn, có cơ sở hơn về các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013./.