Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần tiếp tục được thể chế hóa thành pháp luật

Thứ sáu - 18/04/2025 05:45 13 0

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần tiếp tục được thể chế hóa thành pháp luật

Đó là nội dung của Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 10/4/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.
Trong những năm qua, chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là rất quyết liệt. Quan điểm của Đảng về vấn đề này ngày càng được nâng tầm lý luận và theo sát với thực tiễn. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước là một trong những nguyên tắc và chỉ đạo trong công tác xây dựng thể chế, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, nhiều sai phạm, tiêu cực và nhiều vụ tham nhũng, lãng phí đã được xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, cần xác định đây là cuộc chiến đấu nhiều cam go, thử thách và cần có nền tảng pháp lý vững chắc để đảm bảo sự phát triển cho đất nước, nâng cao niềm tin và uy tín của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và phát huy đóng góp, kiến tạo từ các nguồn lực trong nước.
Chỉ thị số 43-CT/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, một số chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối và nâng cao nhận thức về công tác thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước hiệu quả chưa cao. Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, có nội dung còn bất cập, sơ hở, thiếu thống nhất, thiếu ổn định, tính khả thi chưa cao; phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn; tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên. Do đó Chỉ thị xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong đó nhấn mạnh việc tăng cường công tác phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tầm quan trọng của công tác thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu về công tác này; nâng cao chất lượng, hiểu quả công tác thể chế hóa đối với nội dung này trong giai đoạn hiện nay.
Trang Thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu./.
File đính kèm

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây