Đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh điều hành Phiên họp. Cùng dự có đồng chí Mai Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Linh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh và đại điện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, UBND các huyện thành phố cùng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng điều hành phiên họp
Sau khi nghe lãnh đạo Sở Tư pháp báo cáo, trình bày tóm tắt kết quả công tác xây dựng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, Hội nghị đánh giá ngoài các kết quả đạt được trong công tác xây dựng, rà soát, kiểm tra văn bản QPPL góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật địa phương còn một số vấn đề tồn tại cần tập trung chỉ đạo. Theo đó, 08 nhiệm vụ tham mưu xây dựng văn bản bị chậm so với tiến độ kế hoạch và 24 nhiệm vụ phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, thay thế cần tập trung xử lý dứt điểm, đảm bảo phù hợp trong thời gian trước mắt.
Đặc biệt, với một số gợi ý định hướng của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh vể việc lấy thể chế làm đột phá chiến lược, tạo đòn bẩy để Thái Nguyên và các địa phương khác triển khai Nghị quyết số 57/-NQ/TW trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, các đại biểu đã đồng thuận cao trong việc tìm tòi, nghiên cứu các cơ chế đặc thù; chủ động chuẩn bị các điều kiện về thể chế cho chính quyền 2 cấp; tăng cường chất lượng xây dựng văn bản. Đối với các “điểm nghẽn” thể chế, song song với việc rà soát, tổng hợp đề xuất Chính phủ, các bộ ngành thì cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để có giải pháp về thể chế phù hợp ngay sau khi cấp trung ương thông được các “điểm nghẽn”.
Đồng chí Trần Văn Khương, Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại phiên họp
Kết luận Phiên họp, đồng chí Chủ tịch đánh giá cao ý kiến phát biểu của các thành viên tham gia phiên họp và vai trò tham mưu của Sở Tư pháp để tổ chức Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ cải cách thể chế có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tăng cường hơn nữa trách nhiệm tham mưu để năm 2025 và giai đoạn 2025-2030, tỉnh Thái Nguyên có được những kết quả nổi trội, đặc biệt hơn, có tính đột phá về thể chế làm bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội.