Viết cho ngày thành lập Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên 09/4

Thứ năm - 08/04/2021 23:10 770 0
Ngành Tư pháp tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) được thành lập vào tháng 4/1982, theo Quyết định số 87/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái và có các chức năng, nhiệm vụ theo sự phân cấp cơ quan Tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Đây là thời điểm mà Bộ Tư pháp được tái thành lập sau hơn 20 năm nhiệm vụ của ngành được chuyển giao cho các cơ quan khác đảm trách (Từ năm 1960, sau khi Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trở thành hai hệ thống độc lập tách khỏi Chính phủ, các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được chuyển giao cho các cơ quan khác nhau; trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác tham mưu về pháp luật và xây dựng pháp luật của Chính phủ do ngành Pháp chế đảm nhận, Uỷ ban Pháp chế của Chính phủ được thành lập và hoạt động từ năm 1972). Khi Hiến pháp năm 1984 xây dựng đường lối quá độ tiến lên CNXH trong cả nước, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng khi trình đề án thành lập Bộ Tư pháp tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VII đã nhấn mạnh rằng: “Thực tiễn trong 20 năm qua đã chứng minh rõ việc Chính phủ – cơ quan quản lý toàn diện công việc của Nhà nước mà không có Bộ Tư pháp là điều rất không hợp lý”. Trước yêu cầu đó, ngành Tư pháp đã được thiết lập lại khi cơ quan Trung ương của ngành được tái thành lập vào năm 1981 với chức năng giúp Chính phủ quản lý thống nhất về công tác Tư pháp. Ngành tư pháp các địa phương trên cơ sở đó cũng được hình thành với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý thống nhất công tác Tư pháp ở địa phương. Tiếp đó, hệ thống cơ quan Tư pháp cấp huyện, xã cũng dần được hình thành và kiện toàn.
Tháng 7 năm 1999, tôi được tuyển dụng vào ngành Tư pháp với thật nhiều bỡ ngỡ, những gì được học ở trường đại học dường như thật xa lạ với những công việc tôi được giao khi bước chân vào ngành. Tuy nhiên, chặng đường đầu luôn được tiếp thêm sức mạnh bởi những dòng lịch sử đầy ấn tượng ở trên, khi tôi được nghe, được biết thêm nhiêu câu chuyện về nghề, về ngành mà các cô chú, các thế hệ tiền bối kể lại. Có thể nói, đó là một thời kỳ cực kỳ khó khăn cho những ngày đầu thành lập. Xét cho cùng, đó là những khó khăn chung của cả hệ thống chính trị: khó khăn từ sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ; khó khăn về cơ chế quản lý dẫn đến khó có thể phát huy vai trò, vị trí của ngành; đã có những thời điểm thiếu cả sự ủng hộ cần thiết từ nhiều cấp chính quyền địa phương đến mức có nguy cơ giải thể ngành Tư pháp. Nhưng rồi mọi khó khăn cũng qua đi!
Thời gian thật nhanh, thấm thoắt đã hơn 20 năm là người của ngành Tư pháp, một chặng đường với thật nhiều trải nghiệm quý giá với ngành và tình yêu với nghề mà anh em, đồng chí, đồng nghiệp chúng tôi vẫn gọi là nghề “đọc chữ”. Chắc có lẽ vì thế mà chúng tôi luôn vui đùa với nhau là nhà Tư pháp chả có gì ngoài văn bản “nhiều chữ ít tiền”; người Tư pháp suốt đời trăn trở đi tìm những “căn cứ pháp lý” cho các quyết định chỉ đạo, điều hành từ quan trọng đến thông thường của các cấp chính quyền địa phương. Niềm vui sau tất cả chính là sự tin tưởng, trọng dụng của các cấp lãnh đạo và của các sở ngành, địa phương. Với tôi, niềm vui với nghề thật là hạnh phúc lớn lao.
Kết nạp Đảng đc Hiếu
Lễ thành lập Chi đoàn Sở Tư pháp
22 năm trở về trước, tôi nhớ rất rõ sự kiện thành lập Chi đoàn thanh niên và lần đầu tiên, đoàn viên của Sở Tư pháp không còn phải đi sinh hoạt nhờ, sinh hoạt ghép với các Chi đoàn bạn. Với tôi và lứa đoàn viên ngày ấy đó thực sự là một sự kiện trọng đại, xúc động vô cùng! Có lẽ vì thế mà chúng tôi đã sống những năm tháng tuổi 20 thật rực rỡ khi say mê các hoạt động tình nguyện, mải miết đi khắp các bản làng để tuyên truyền pháp luật. Khi tổ chức Trợ giúp pháp lý của Nhà nước được ra đời và thành lập trực thuộc Sở Tư pháp thì cũng vẫn là những thế hệ thanh niên đó đã xung phong cõng luật đến muôn nẻo vùng cao, vùng sâu xa khó khăn của tỉnh với một mục tiêu mà ngành Tư pháp luôn đề cao: làm sao để người dân, nhất là người dân ở những vùng còn khó khăn, dân trí thấp được biết luật, hiểu luật để thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Cũng từ hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đó mà mỗi chúng tôi trưởng thành hơn nhiều, giờ đây đã được giao thêm nhiêu nhiệm vụ mới nhưng chưa bao giờ quên những bước chập chững đã đi, những trải nghiệm quý giá từ thời điểm trở thành cán bộ ngành Tư pháp.
Chặng đường tôi đi mới chỉ là hơn 20 năm, nhưng chặng đường Sở Tư pháp đã đi tính đến nay đã gần 40 năm (09/4/1982). Những khó khăn gian nan của chặng đường chưa được góp mặt cùng với những thực tiễn của chặng đường có mặt đã giúp tôi có một khuôn thước rõ ràng hơn về sự lớn mạnh, phát triển của ngành mình. Sở Tư pháp những năm gần đây đã có những khẳng định về vai trò, vị trí, rõ ràng và cần thiết hơn rất nhiều. Các lĩnh vực công tác của ngành ngày càng có những ảnh hưởng, tác động lớn đến các hoạt động chỉ đạo của các cấp lãnh đạo – đó là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả một tập thể lớn.
Viết cho ngành Tư pháp, tôi luôn cảm thấy sự trân quý cho cả một giai đoạn nỗ lực cống hiến của các thế hệ tiền bối, các đồng chí, đồng nghiệp và cá nhân mình. Gần 4 thập kỷ đã qua, người đi người ở, người còn người mất và không phải không có những gian nan nhưng với tôi, được cống hiến cho một nửa quãng đường đó là thực sự là niềm vui. Rồi đây sẽ còn nhiều trọng trách, nhiều yêu cầu đặt ra nhưng tôi luôn tâm niệm rằng các thế hệ cán bộ ngành Tư pháp sẽ khẳng định tốt hơn vị thế, vai trò của ngành. Niềm tin, sự gắn bó, tinh thần trách nhiệm…, có lẽ là những dư vị rất đẹp để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chúng tôi tự nhủ để phấn đấu, nỗ lực cống hiến và viết thêm nhiều trang mới tự hào cho ngành mình.
Một ngày tháng Tư thật vui của tôi!
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu, Phòng XD và KTVBQPPL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây