Công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2016-2020

Chủ nhật - 06/06/2021 21:22 1.761 0
Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Tư pháp trong giai đoạn 2016-2020. Các nhiệm vụ CCHC luôn được lãnh đạo Sở quan tâm, chỉ đạo sát sao từ khâu lập kế hoạch đến triển khai các thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo phải vừa sát với các yêu cầu về CCHC chung của toàn tỉnh, vừa phải gắn với các nhiệm vụ chuyên môn của ngành Tư pháp.
Trong giai đoạn vừa qua, công tác CCHC của Sở Tư  pháp đã có nhiều bước phát triển tích cực các kết quả này được thể hiện tại các nội dung sau:
Công tác xây dựng thể chế chính sách
   Giai đoạn 2015-2021, là giai đoạn có sự thay đổi mạnh mẽ trong các thể chế chính sách của nước ta nhằm hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế.        Với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động theo dõi, đôn đốc tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành luật có hiệu lực trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị xây dựng dự thảo văn bản chấp hành đúng quy trình ban hành văn bản QPPL, tích cực tham gia cùng đơn vị chủ trì xây dựng văn bản từ giai đoạn dự thảo văn bản; nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự thảo văn bản QPPL, đảm bảo 100% văn bản QPPL của HĐND và UBND các cấp trước khi ban hành đều được các cơ quan Tư pháp thẩm định nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi của văn bản khi được ban hành. Trong giai đoạn 2016-2020, Sở đã tiến hành thẩm định 320 dự thảo văn bản QPPL, đóng góp hơn 1.300 văn bản của trung ương và tỉnh. HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành 265 văn bản QPPL trong giai đoạn này.
   Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020, từ đó địa phương đã thực hiện khá nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, cho đến thời điểm hiện tại công tác xây dựng thể chế đã có những chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nề nếp; các cấp, các ngành đã chú trọng hơn đến công tác xây dựng văn bản.        
Cùng với hoạt động xây dựng văn bản, công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cũng là một trong những nhiệm vụ góp phần hoàn thiện thể chế chính sách của tỉnh. Thông qua hoạt động này, kịp thời phát hiện văn bản QPPL có nội dung không phù hợp, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để xây dựng hệ thống văn bản QPPL của tỉnh đáp ứng theo từng giai đoạn phát triển và yêu cầu quản lý của  ngành, lĩnh vực, đảm tính hợp hiến, hợp pháp.
   Bên cạnh đó công tác tổ chức triển khai hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, cũng được Sở được nâng cao hơn trước thông qua việc đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp.
   Tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Chủ chương, Chính sách lớn của Đảng và Chính phủ, các văn bản pháp luật mới, các văn bản pháp luật hiện hành được dư luận xã hội quan tâm dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như hội nghị tuyên truyền, cuộc thi viết, hội thi tuyên truyền viên, hòa giải viên, chuyên mục hỏi đáp trên đài phát thanh, đài truyền hình, cấp phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật…. Tính từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hơn 29.600 cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho 1.900.000 lượt người tham dự; tổ chức 830 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 543.639 lượt người tham dự; cấp phát hơn 4.700.000  đầu tài liệu, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền cho các phòng, ban chuyên môn thuộc tỉnh, huyện, UBND các xã, thị trấn để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
Sở Tư pháp cũng đã chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, triển khai sâu rộng công tác theo dõi tình hình THPL đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn hoạt động theo dói THPL với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực, địa bàn có nhiều phản ánh, kiến nghị, còn chồng chéo, bất cập trong quá trình thực thi các quy định pháp luật.
            Công tác cải cách thủ tục hành chính
            Cùng với sự thay đổi các cơ chế chính sách, các thủ tục hành chính của ngành Tư pháp cũng có sự thay đổi, cùng với đó các cơ chế kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện chế độ một cửa, một cửa liên thông cũng có nhiều sự thay đổi, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.
            Qua từng năm công tác Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) có nhiều bước chuyển biến tích cực. Việc Đánh giá tác động quy định thủ tục hành chính (TTHC), tham gia ý kiến, thẩm định quy định TTHC tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có quy định về TTHC được thực hiện nghiêm túc đúng quy định pháp luật. Công tác rà soát, đơn giản hóa được thực hiện nghiêm túc nhằm nghiên cứu, đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm bớt các TTHC, thời gian giải quyết TTHC, các giấy tờ, hồ sơ TTHC, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi thực hiện các TTHC của ngành Tư pháp (Sở đã rà soát, đề nghị UBND tỉnh thông qua phương án đơn giản hóa với 07 TTHC của ngành).
            Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC được thực hiện nghiêm túc đúng các quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP. Công tác công bố, công khai TTHC được thực hiện đầy đủ theo quy định hiện hành: các TTHC mới được công bố, sửa đổi bổ sung đều được Sở tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục kịp thời; các TTHC thuộc thẩm quyền  giải quyết của Sở Tư pháp đã cập nhật và niêm yết đúng theo quy định (tính đến năm 2020, Bộ phận một cửa Sở tiếp nhận giải quyết 121 TTHC cấp tỉnh, 5 TTHC cấp trung ương giao tiếp nhận tại tỉnh; 05 TTHC do Trung tâm TGPLNN thực hiện; 15 TTHC do Phòng công chứng số 1, số 2 thực hiện). Việc tiếp nhận phản ánh kiến nghị của công dân, tổ chức được thực hiện nghiêm túc đảm bảo đúng quy định pháp luật; trong giai đoạn 2016-2025 không có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến việc giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp.  Sở đã kịp thời xây dựng các quy trình nội bộ giải quyết TTHC, quy trình phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001-2015 trong việc giải quyết các TTHC ngay sau khi việc tiếp nhận giải quyết, trả kết quả TTHC được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên.
            Chất lượng giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và trả kết quả của Sở được nâng cao, thông qua việc thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy trình trong giải quyết các TTHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các nhiệm vụ thông qua việc sử dụng phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và các phần mềm ứng dụng chuyên ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện các TTHC tại các phòng, đơn vị thuộc Sở; tăng cường công tác tuyền, hỗ trợ, hướng dẫn công dân trong việc giải quyết các TTHC trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua đường bưu chính. Sở đã nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục TTHC cung ứng dịch vụ công mức độ 4 đối với 101 TTHC/126 TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2021, Sở đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết hơn 110.000 hồ sơ TTHC, trong đó số lượng TTHC bị giải quyết quá hạn chỉ hơn 600 hồ sơ; tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua đường bưu chính  với hơn 2.500 hồ sơ TTHC. Với số lượng biên chế hạn hẹp và nguồn kinh phí còn hạn chế, đây là sự cố gắng thể hiện sự quyết tâm của toàn thể cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ công nhân viên chức của Sở Tư pháp trong thời gian qua.
            Công tác tổ chức bộ máy; tổ chức cán bộ
            Sở Tư pháp đẩy mạnh triển khai đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tại Sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2020; sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho các cá nhân, đơn vị theo đúng nội dung các Đề án vị trí việc làm của Sở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
            Trên cơ sở Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Đề án số 09-ĐA/TU ngày 29/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Kết luận số 08-KL/TU ngày 21/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành về việc thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU; Sở đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh quy định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên và tiến hành rà soát, sắp xếp lại lại bộ máy hành chính các đơn vị thuộc Sở theo đúng yêu cầu (rút từ 7 phòng xuống 4 phòng chuyên môn). Hiện nay, Sở Tư pháp có 3 lãnh đạo Sở: Giám đốc và 03 Phó Giám đốc. Về tổ chức bộ máy, Sở có 07 phòng chuyên môn và 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Tổng số biên chế được giao năm 2021 là 67 biên chế (trong đó: 24 biên chế hành chính, 37 biên chế sự nghiệp, 05 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP).
            Nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ của ngành, Sở đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh hành Quyết định số 36/2018/QĐ-UBND ngày 20/12/2018  quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các tổ chức thuộc Sở Tư pháp; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên. Đây là cơ sở quan trọng để việc cơ cấu, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ của ngành Tư pháp tại tỉnh Thái Nguyên.
            Công tác cải cách hành chính công; hiện đại hóa hành chính
            Trong những năm qua, Sở Tư pháp  đã thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, tiền lương cho người lao động. Bên cạnh đó, Ngành quản lý chặt chẽ biên chế, tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên, tăng thu nhập cho người lao động. Thực hiện tốt hơn quy định công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng nguồn tài chính công, bảo đảm chi tiêu hiệu quả nhất là các đơn vị sự nghiệp. Thực hiện tiết kiệm trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ do đơn vị xây dựng... Hiện nay số đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên là 01/4 đơn vị; 02/4 đơn vị đảm bảo một phần chi thường xuyên.
            Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được ngành Tư pháp quan tâm, chú trọng. Sở đã đẩy mạnh việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ và phần mềm quản lý văn bản, áp dụng ký số trong phát hành văn bản của đơn vị. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các phần mềm chuyên ngành, phần mềm một cửa điện tử, qua đó góp phần nâng cao được hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động chuyên môn của Sở.
            Những tồn tại, hạn chế
            Bên cạnh các kết quả đạt được trên, việc thực hiện công tác CCHC của Sở Tư pháp và tỉnh Thái Nguyên vẫn còn một số điểm tồn tại, hạn chế như:
            Hiện nay ngành Tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới khó khăn, phức tạp cần có biên chế để thực hiện, tuy nhiên hiện nay biên chế có hạn nên việc thực hiện các nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn, việc triển khai một số nhiệm vụ còn chưa đúng tiến độ đề ra.
            Cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp chưa thực sự chủ động trong việc đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật. Hoạt động xây dựng văn bản QPPL còn những hạn chế nhất định như: việc chấp hành quy trình ban hành văn bản chưa thực sự nghiêm túc, vẫn còn lúng túng trong thực hiện quy trình xây dựng văn bản; đặc biệt là quy trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh như giai đoạn lập đề nghị xây dựng nghị quyết, đánh giá tác động của chính sách, cơ quan soạn thảo không tiếp thu hoặc tiếp thu không đầy đủ nhưng không có giải trình cụ thể; việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản còn có biểu hiện hình thức; vẫn còn văn bản QPPL ban hành có sai sót về nội dung, thẩm quyền, thể thức, kỹ thuật trình bày, phải sửa đổi, bãi bỏ, đính chính.
            Hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản dù đã được quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao (chủ yếu ở cấp huyện, cấp xã), việc xử lý văn bản có sai sót còn chậm trễ, kéo dài. Hoạt động rà soát tại một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã còn chưa chủ động, chưa kịp thời dẫn đến một số văn bản không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.
            Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động xây dựng chương trình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, việc xây dựng kế hoạch còn chung chung, chưa chủ động. Nguồn kinh phí cho hoạt động phổ biến giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật còn chưa tương xứng với yêu cầu đề ra, nên việc triển khai nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn.
            Việc Việc ứng dụng giải quyết TTHC ở cấp độ 3,4 đối với các TTHC giải quyết tại Sở Tư pháp còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Để thực hiện giải quyết TTHC của ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp áp dụng giải quyết với nhiều phần mềm của ngành, trong khi tỉnh yêu cầu áp dụng việc giải quyết TTHC trên phần mềm một cửa của tỉnh. Việc giải quyết tiếp nhận, xác minh hồ sơ, trả kết quả xác minh, biểu mẫu kết quả TTHC đều sử dụng trên phần mềm của ngành. Với số lượng biên chế hạn hẹp, việc sử dụng song song nhiều phần mềm gây khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, thời gian giải quyết TTHC. Bên cạnh đó việc đồng bộ TTHC liên thông từ Bộ Tư pháp về tỉnh chưa thực sự thông xuốt, nhiều TTHC vẫn chưa đồng bộ kết nối, gây khó khăn trong việc giải quyết TTHC.
            Phương hướng đẩy mạnh CCHC trong thời gian tới
            Để công các CCHC thực sự , trong thời gian tới chúng ta cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
            Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, người đứng đầu các cơ quan hành chính đối với công cuộc CCHC. Phải nhận thức rõ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của CCHC đối với quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, coi CCHC thực sự là một nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời cũng phải xác định đây là việc làm thường xuyên, lâu dài.
            Phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ công chức, lấy sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
            Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của chính quyền các cấp; xác định một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa đột phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn để ưu tiên tập trung nguồn lực nhằm xây dựng cơ chế, chính sách.  Đổi mới, hoàn thiện cơ chế kiểm soát, nhất là kiểm soát trước trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL thuộc thẩm quyền; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra văn bản với các hoạt động soạn thảo, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường năng lực xử lý những tình huống văn bản sai tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội.
            Tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi lĩnh vực ngành quản lý. Giám sát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính nhằm phát hiện những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc phiền hà nhằm xây dựng Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian giải quyết hồ sơ. Thường xuyên cập nhật văn bản, quy định mới, rà soát thủ tục hành chính nhằm công bố, công khai kịp thời các thủ tục hành chính mới để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện.
            Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường công khai, minh bạch và hiệu lực hiệu quả. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số.
            Tiếp tục thực hiện kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc và trực thuộc. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo hướng dẫn tổ chức cơ cấu, bộ máy của các Sở Tư pháp tiến hành kiện toàn lại các phòng, đơn vị thuộc Sở. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, theo đúng yêu cầu lộ trình của Ngành Tư pháp và nhiệm vụ CCHC.
            Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của CCHC. Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, hoàn thiện các quy định về chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm để làm cơ sở cho tinh giản tổ chức và biên chế.
 

Tác giả bài viết: Trần Quang Duy, Sở Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay13,884
  • Tháng hiện tại269,060
  • Tổng lượt truy cập15,537,000
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây