Đánh giá chính sách bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ tư - 06/10/2021 05:24 775 0
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản số 2220/UBND-KT ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc tham mưu chế độ cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 22/6/2021, Sở Tài chính, Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh
Đây là chính sách đặc thù của tỉnh Thái Nguyên, do đó Sở Tư pháp đã thực hiện quy trình đánh giá chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Nội dung đánh giá chính sách là cơ sở quan trọng để Sở Y tế rà soát, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo thẩm quyền. Chính sách được đánh giá với một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành chính sách:
Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; đặc biệt là tại các địa phương giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội và  Vĩnh Phúc. Số ca nhiễm đang tăng nhanh tại một số khu công nghiệp, khu dân cư; nhiều địa phương  đang có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng, nguy cơ xâm nhập vào tỉnh Thái Nguyên là rất lớn. UBND tỉnh đã chỉ đạo kích hoạt trở lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa ngõ, tuyến đường ra, vào địa bàn tỉnh Thái Nguyên, huy động nhiều lực lượng tham gia chốt chặn và kiểm soát dịch đủ mạnh để tăng cường rà soát, lập các chốt kiểm dịch theo yêu cầu.
Rà soát các chính sách có liên quan đến chế độ bồi dưỡng và phụ cấp chống dịch của Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, Sở Tư pháp khẳng định nhất trí với nhận định của cơ quan tham mưu xây dựng chính sách: chưa có chế độ cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào tỉnh, địa bàn giáp ranh vùng có dịch...
Do đó việc đề xuất chính sách đối với lực lượng này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu và mức độ cảnh báo phòng chống dịch của tỉnh Thái Nguyên trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên cần xác định đối tượng, phạm vi hỗ trợ phù hợp.
Thứ hai, về đối tượng, phạm vi điều chỉnh:
Với phương pháp loại trừ các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 16/NQ-CP, tính toàn diện về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của chính sách được bảo đảm cho mọi lực lượng tham gia chống dịch đều được chi trả chế độ bồi dưỡng phù hợp với vị trí, tính chất công việc khi tham gia chống dịch.
Tuy nhiên để đảm bảo tính rõ ràng và tránh nhầm lẫn có sự chồng chéo về đối tượng của chính sách, cần nghiên cứu điều chỉnh tên của chính sách cho phù hợp để đảm bảo rõ hơn về nguyên tắc một người có thể tham gia ở nhiều vị trí nhưng chỉ hưởng duy nhất một chế độ bồi dưỡng phù hợp.
Thứ ba, về sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước:
Trong suốt gần 2 năm qua, kể từ khi có ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam cho đến đợt bùng phát dịch lần thứ 4 hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định kiên định tinh thần “chống dịch như chống giặc”; tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thường trực Ban Bí thư và các cơ quan lãnh đạo cấp cao cùng với Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo các tỉnh/thành phố thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả.
Chính sách chung của Đảng và Nhà nước là tập trung mọi nguồn lực cũng như những ưu tiên hàng đầu cho công tác chống dịch, trong đó Chính phủ đã ban hành chế độ phụ cấp cho một số đối tượng; đối với các lực lượng khác tham gia chống dịch, các địa phương căn cứ và tình hình cụ thể để quyết định theo thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước ở địa phương. Do đó chính sách dự kiến ban hành là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên Sở Tư pháp đã đề nghị cơ quan tham mưu chính sách phân tích về mức hỗ trợ được đề xuất, tính chất vị trí công việc của lực lượng tham gia phòng chống dịch là đối tượng của chính sách so với các mức phụ cấp và đối tượng tại Nghị quyết số 16/NQ-CP để đảm bảo tính thấu đáo, công bằng trong chính sách được ban hành.
Thứ tư, về tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách:
Theo Nghị quyết số 16/NQ-CP, mức chi chế độ phụ cấp chống dịch cao nhất là 300.000 đồng/người/ngày và thấp nhất 80.000 đồng/người/ngày. Chính sách của tỉnh được đề xuất với mức bồi dưỡng 150.000đồng/người/ngày và hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày; tổng cộng là 230.000đồng/người/ngày.
Theo báo cáo đánh giá, đến nay UBND các huyện, thành phố, thị xã đã lập 102 chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 với 1.300 người tham gia phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào tỉnh, địa bàn giáp ranh vùng có dịch (81 chốt, với 1.161 người tham gia); các chốt kiểm soát tại các khu vực được khoanh vùng, phong tỏa nhằm kiểm soát, khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, đảm bảo an ninh trật tự, cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 (21 chốt, với 129 người tham gia).
Để đáp ứng cơ chế phản biện cho tính khả thi của chính sách, Sở Tư pháp đã đề nghị có sự rà soát, xác định số lượng, quy mô lực lượng tham gia tại các chốt kiểm soát để thống kê con số sơ bộ hiện có và dự kiến cần có làm cơ sở xác định dự toán nguồn ngân sách cần thiết để thực hiện chính sách khi có hiệu lực. Đồng thời cần nghiên cứu sự cần thiết quy định khung mức hỗ trợ (liên quan đến số ngày tối đa tham gia tại các chốt kiểm dịch) để đảm bảo sức khỏe, chất lượng và sự tham gia đồng đều của các đối tượng trong lực lượng chống dịch (trừ những đối tượng không thể có nhân lực thay thế).
Tiếp thu nội dung này, tại dự thảo kèm theo Tờ trình số  2392/TTr-SYT ngày 22/6/2021 của Sở Y tế đã thống nhất trình mức 150.000 đồng/người/ngày cho đối tượng tại các chốt kiểm dịch thành lập theo quy định.
Thứ 5, về các giải pháp và điều kiện đảm bảo thực hiện:
Việc đề xuất chính sách là có cơ sở và cần thiết, tuy nhiên để phát huy tính hiệu quả, cơ quan tham mưu xây dựng chính sách cần có đề xuất giải pháp cụ thể hơn. Theo hồ sơ lập đề nghị, cơ quan tham mưu chưa có sự phân tách phù hợp giữa nội dung chính sách và các giải pháp để thực hiện chính sách. Về giải pháp nguồn lực thực hiện (nguồn lực tài chính) chưa có những đề xuất cụ thể trong phân cấp thực hiện ngân sách địa phương, đề nghị bổ sung cho phù hợp.
Thứ sáu, về thủ tục hành chính và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới:
Các chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết là cơ chế, nội dung hỗ trợ trực tiếp, không đề xuất ban hành các quy định về thủ tục hành chính. Vấn đề này là phù hợp do nội dung chính sách không cần thiết phát sinh các thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.
Vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách được đề cập ở phương diện hỗ trợ như nhau giữa các đối tượng thụ hưởng của hai giới, mặc dù tính chất, mức độ và những rào cản về giới trong tham gia phòng chống dịch là khác biệt. Tuy nhiên, Sở Tư pháp cho rằng trong điều kiện hiện nay, để có chính sách chung kịp thời hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng chống dịch là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương, do đó vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách của dự thảo mang tính tương đối và được chấp nhận.
Căn cứ thẩm quyền của HĐND tỉnh về quyết định định mức phân bổ và chế độ, tiêu chuẩn định mức chỉ tiêu ngân sách quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ, dự kiến chính sách trên sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2021-2026 vào đầu tháng 8 tới đây, là cơ sở cho việc triển khai các chính sách giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid của tỉnh Thái Nguyên đạt được hiệu quả cao nhất trong tình hình diễn biến dịch ngày càng phức tạp hiện nay.

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết tới Cổng thông tin PBGDPL Thái Nguyên qua đâu ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay12,879
  • Tháng hiện tại268,055
  • Tổng lượt truy cập15,535,995
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây