Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa – trách nhiệm góp sức của ngành Tư pháp

Thứ hai - 31/03/2025 06:29 40 0

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng quan trọng của nền kinh tế

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng quan trọng của nền kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đặt ra mục tiêu trọng tâm năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính.
Để thực hiện được mục tiêu trọng tâm nói trên thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ... nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế. 
Các chỉ tiêu cụ thể được giao là cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chuyển mạnh quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó là tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án. Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số để giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và các dịch vụ công thuận lợi, nhanh chóng.
Về xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ giao:
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; trình Chính phủ bảo đảm kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo quy định để khắc phục triệt để các bất cập, vướng mắc hiện nay. Nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tài sản mã hóa, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả, trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, trình Chính phủ bảo đảm kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo quy định.
Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 về dự thảo Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; báo cáo Chính phủ trong Quý II năm 2025.
Ngành Tư pháp thực hiện chức năng tại Nghị định số 39/2025/NĐ-CP ngày 26/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi cả nước theo quy định pháp luật. Do đó, Chỉ thị số 10/CT-TTg tiếp tục là công cụ quản lý quan trọng để ngành Tư pháp thực hiện tốt chức năng được giao, nhất là trong giai đoạn hiện nay cả nước đang tập trung cao độ thực hiện Kết luận số 123-KL/TW, ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên./.

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây