Một số quy định mới về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Nghị định 99/2022/NĐ-CP

Thứ hai - 22/05/2023 22:32 1.241 0
Ngày 30 tháng 11 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định có 05 chương với 58 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2023 và thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Nghị định này quy định nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin; hiệu lực của đăng ký; cơ quan đăng ký, cơ quan cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục chung về đăng ký biện pháp bảo đảm và trình tự, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm đối với từng loại tài sản; công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Nghị định ra đời đã góp phần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định mới của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bảo đảm hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dùng. Tạo điều kiện thuận lợi, khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản trong nền kinh tế. Giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký, hệ thống đăng ký. Khắc phục những vướng mắc, bất cập, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động đăng ký.

Đặc biệt Nghị định này cũng có nhiều điểm mới tác động tích cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đặc biệt là các tổ chức tín dụng khi thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân và tổ chức tín dụng trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thứ nhất, Nghị định quy định rõ Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin. Theo đó, Cơ quan đăng ký phải thực hiện đúng thẩm quyền, nhiệm vụ, căn cứ, thủ tục và thời hạn; không làm phát sinh thủ tục khác với quy định của Nghị định này; không yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào hoặc không yêu cầu kê khai thêm bất cứ thông tin nào mà Nghị định này không quy định trong hồ sơ đăng ký; không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Cơ quan đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này. (Khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định 99/2022/NĐ-CP)

Thứ hai, Nghị định bổ sung nguyên tắc đăng ký áp dụng đối với tài sản hình thành trong tương lai; tài sản gắn liền với đất mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu; tài sản là cây hàng năm, công trình tạm; động sản không phải là tàu bay, tàu biển,

chứng khoán đã đăng ký tập trung hoặc trường hợp đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm. Theo đó, việc đăng ký được thực hiện trên cơ sở thông tin được kê khai trên Phiếu yêu cầu đăng ký (Khoản 5 Điều 5, Nghị định 99/2022/NĐ-CP).

Thứ ba, Nghị định này quy định rõ các trường hợp không chấm dứt hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký ban đầu (Khoản 2 Điều 6 Nghị định 99/2022/NĐ-CP). Nghị định cũng có quy định về chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất sang thế chấp nhà ở, tài sản gắn liền với đất, căn cứ thực hiện chuyển tiếp, hồ sơ chuyển tiếp đăng ký thế chấp, thủ tục chuyển tiếp đăng ký, gồm cả trường hợp nộp đồng thời hồ sơ chuyển tiếp đăng ký và hồ sơ đăng ký biến động đối với tài sản gắn liền với đất; xác định cụ thể trong các quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng đã đăng ký thế chấp, chỉ chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đối với quyền mua nhà ở, tài sản gắn liền với đất phát sinh từ hợp đồng.

Thứ tư, Để triển khai thực hiện tốt Nghị định, Các cơ quan, tổ chức liên quan và tổ chức tín dụng khi đăng ký giao dịch bảo đảm cần chú ý một số vấn đề sau:

1) Đối với sử dụng biểu mẫu trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm:

Sử dụng đúng các biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 99/2022/NĐ-CP trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; không tiếp tục sử dụng các biểu mẫu được ban hành tại các thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về đăng ký biện pháp bảo đảm (Thông tư số 08/2018/TT-BTP, Thông tư số 01/2019/TT-BTP, Thông tư số 07/2019/TT-BT);

2) Giữ nguyên khuôn khổ biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định khi thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin, không tự ý loại bỏ hoặc bổ sung các trường thông tin đã được quy định biểu mẫu tại Phụ lục;

3) Thực hiện đúng hướng dẫn tại biểu mẫu, không tự ý kê khai thêm thông tin không thuộc diện kê khai trên biểu mẫu;

4) Một nội dung kê khai trên biểu mẫu có thể được thể hiện ở nhiều trang, tại các trang phải có chữ ký nháy của người yêu cầu đăng ký, trường hợp người yêu cầu đăng ký gồm nhiều người thì phải có đầy đủ chữ ký nháy của tất cả những người này.

5) Đối với cơ quan đăng ký:

- Chỉ tiếp nhận các phiếu yêu cầu, văn bản đề nghị theo đúng biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định;

- Thực hiện đúng nguyên tắc quy định tại Nghị định, chỉ từ chối đăng ký trong trường hợp có căn cứ quy định tại Nghị định; không yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào hoặc không yêu cầu kê khai thêm bất cứ thông tin nào mà Nghị định này không quy định trong hồ sơ đăng ký; không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm; không yêu cầu kê khai thêm các thông tin không thuộc diện kê khai trên biểu mẫu (phiếu yêu cầu, văn bản thông báo về việc thế chấp).

Để triển khai đúng, hiệu quả Nghị định trên, phòng tránh những rủi ro pháp lý liên quan đến việc đăng ký biện pháp bảo đảm, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các nội dung của Nghị định bằng hình thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình, kịp thời phản ánh những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến cơ quan thực hiện, như công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký chuyển dịch tài sản... để kiến nghị, đề xuất tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thùy Linh- Phòng Công chứng số 1

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây