Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên - Cổng thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật

https://pbgdplthainguyen.gov.vn


Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên, 39 năm xây dựng và trưởng thành

(Bài viết của đồng chí Vũ Thị Lệ Hằng Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở, nhân dịp 39 năm ngày thành lập Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên (09/4/1982- 09/4/2021))
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh. Trong những ngày này, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đang hăng hái thi đua lập thành tích, chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mở đầu cho giai đoạn phát triển 2021-2026 và những năm tiếp theo.
Cùng ôn lại lịch sử của Ngành, cách đây hơn 70 năm, trong không khí cách mạng sục sôi, tổng khởi nghĩa thành công, ngày 28-8-1945, Ủy ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp.
Ngay từ những ngày đầu mới được thành lập Bộ Tư pháp đã được giao những trọng trách rất lớn như chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luât về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các toà án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức toà án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hỗ giá viên, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và uỷ thác tư pháp với nước ngoài. Theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 về việc tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, trong giai đoạn 1945-1946, có 3 Sở Tư pháp được đặt tại Uỷ ban hành chính 3 kỳ: Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ.
Năm 1960, theo Luật Tổ chức Chính phủ, trong thành phần Chính phủ không có Bộ Tư pháp. Các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về quản lý tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử, thi hành án được chuyển giao cho Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và một phần cho chính quyền địa phương.
Suốt một thời gian hơn 10 năm sau đó, không còn cơ quan nào giúp Chính phủ quản lý thống nhất và toàn diện các công việc về tư pháp trên phạm vi cả nước. Tháng 10/1972, xuất phát từ yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế, xã hội của Nhà nước, hình thành một hệ thống pháp luật đầy đủ, là công cụ của Nhà nước để quản lý nền kinh tế quốc dân cũng như mọi hoạt động của Nhà nước. Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 190-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Pháp chế thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý thống nhất công tác pháp chế của Hội đồng Chính phủ theo đường lối, chính sách của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước. Ở địa phương Sở Pháp chế, Ty Pháp chế, Phòng Pháp chế ở khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phòng hoặc Tổ pháp chế ở huyện và các đơn vị tương đương; Tổ pháp chế hoặc cán bộ pháp chế ở cơ sở (xã, xí nghiệp và các đơn vị tương đương) cũng được thành lập.
Năm 1981, Quốc hội khóa VII kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Chính phủ được thay thế bằng Hội đồng Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ngay sau đó Bộ Tư pháp được tái thành lập theo Nghị định số 143/HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng với chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất các việc về tư pháp trong cả nước, bao gồm xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quản lý về mặt tổ chức các toà án nhân dân địa phương và quản lý nhà nước các công tác tư pháp khác (luật sư, công chứng, giám định, ...), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật trong cả nước. Hệ thống cơ quan tư pháp địa phương bao gồm: Sở Tư pháp ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương; Ban Tư pháp ở cấp quận, huyện, thị xã (sau đó chuyển thành Phòng) và các đơn vị hành chính tương đương; Ban Tư pháp ở cấp xã, phường và các đơn vị hành chính tương đương. Ở giai đoạn này, các cơ quan tư pháp đã từng bước được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động. Giai đoạn này cũng là một mốc son lịch sử của ngành tư pháp Thái Nguyên khi ngày 09/4/1982 UBND tỉnh Bắc Thái đã ban hành Quyết định số 87-QĐ/UBND về việc thành lập Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất công tác tư pháp trong toàn tỉnh.
Đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên
Đồng chí Lê Thành Long- Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên làm việc tại Sở Tư pháp
Từ ngày đầu thành lập chỉ với 9 cán bộ, nhân viên được điều động từ Tòa án nhân dân tỉnh về, trong đó 03 đồng chí có trình độ trung cấp pháp lý, số còn lại mới được đào tạo sơ cấp pháp lý và trưởng thành trong thực tiễn. Đồng chí Ma Văn Biên - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh được giao giữ chức vụ Giám đốc Sở. Đồng chí Hoàng Kim Long được giao giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở. Trước nhiệm vụ được giao rất nặng nề, trong điều kiện đội ngũ CBCC còn rất thiếu, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, nhưng với bầu nhiệt huyết và phương châm “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, “vừa làm vừa học”, “vừa xây dựng, củng cố tổ chức, vừa triển khai các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ”, các thế hệ lãnh đạo cũng như đội ngũ cán bộ công chức của Sở Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên nói chung đã vượt qua bao khó khăn, vất vả, phấn đấu không mệt mỏi, từng bước xây dựng và củng cố cơ sở vật chất, tổ chức cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Trong thời gian 39 năm qua, về tổ chức Sở Tư pháp cơ bản trải qua 06 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1982 đến năm 1992, Sở Tư pháp được tổ chức theo Nghi định số 143-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, gồm có Ban lãnh đạo Sở và 04 phòng: Phòng hành chính quản trị, Phòng Tổ chức đào tạo và quản lý Tòa án, Phòng nghiên cứu tuyên truyền giáo dục pháp luật và Phòng Thi hành án và quản lý Tư pháp khác.
- Giai đoạn thứ hai, từ năm 1993 đến năm 2004, Sở Tư pháp được tổ chức theo Thông tư liên tịch số 12/TTLB của Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ. Giai đoạn này đánh dấu sự ra đời của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Tổ chức của Sở gồm có Ban lãnh đạo Sở và 05 phòng: Phòng hành chính quản trị, Phòng Tổ chức và quản lý Tòa án, Phòng Tuyên truyền văn bản, Phòng Tư pháp bổ trợ, Phòng Thi hành án dân sự và 02 đơn vị sự nghiệp: Phòng Công chứng số 1, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước.
- Giai đoạn thứ ba, từ năm 2005 đến năm 2009, Sở Tư pháp được tổ chức theo Thông tư liên tịch số 04 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, gồm có Lãnh đạo Sở và 07 phòng: Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Phòng Văn bản pháp quy, Phòng phổ biến giáo dục PL, Phòng Tổ chức và quản lý Thi hành án dân sự, Phòng Hành chính Tư pháp- Bổ trợ Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh và 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2, Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.
- Giai đoạn thứ tư, từ năm 2009 đến năm 2014, Sở Tư pháp được tổ chức theo Thông tư liên tịch số 01 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, gồm có Lãnh đạo Sở và 07 phòng: Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Phòng Xây dựng VBQPPL, Phòng Kiểm tra và theo dõi thi hành VBQPPL, Phòng phổ biến giáo dục PL, Phòng Hành chính Tư pháp, Phòng Bổ trợ Tư pháp và 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2, Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Đến tháng 8/2013, Phòng Kiểm soát TTHC được chuyển từ Văn phòng UBND tỉnh về làm 1 phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp.
- Giai đoạn thứ năm, từ năm 2015 đến 2020, Sở Tư pháp được tổ chức theo Thông tư liên tịch số 23 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, gồm có Ban lãnh đạo Sở và 08 phòng: Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Phòng Xây dựng và kiểm tra VBQPPL, Phòng Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành PL, Phòng phổ biến giáo dục PL, Phòng Hành chính Tư pháp, Phòng Bổ trợ Tư pháp, Phòng Kiểm soát TTHC và 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2, Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Năm 2017, Phòng Kiểm soát TTHC lại được chuyển về Văn phòng UBND tỉnh.
- Ngày 14/1/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 71/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên, theo đó từ ngày 03/2/2021, Sở Tư pháp được tổ chức gồm có Lãnh đạo Sở, 5 phòng gồm: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL, Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi THPL, Phòng Bổ trợ- Hành chính tư pháp và 4 đơn vị sự nghiệp. Đây là cơ cấu tổ chức được áp dụng thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 18, 19 Hội nghị lần thứ Sáu BCHTW Đảng khóa XII, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và theo tinh thần tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Sở Tư pháp Thái Nguyên vinh dự được nhận cờ thi đua UBND tỉnh năm 2019 (1)
Sở Tư pháp  vinh dự nhận Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên năm 2019
Có thể nói, trong những năm gần đây về chức năng nhiệm vụ ngành Tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới quan trọng, bên cạnh đó số lượng biên chế ngày một ít đi do phải tinh giản (giảm 10%= 6 biên chế), cơ cấu tổ chức cũng phải thực hiện tinh gọn (từ 8 phòng, nay còn 5 phòng), đã đặt ra cho Sở không ít khó khăn, thách thức mới, tuy nhiên Đảng ủy, Lãnh đạo Sở xác định đây cũng là một điều kiện, cơ hội để ngành thể hiện rõ hơn quyết tâm của mình, nâng cao hơn hiệu quả, hiệu suất công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nối bước các thế hệ đi trước tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Ngành Tư pháp trong bộ máy nhà nước và trong quản lý xã hội, đóng góp chung cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trải qua 39 năm kể từ ngày được thành lập, cùng với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Thái Nguyên, trong suốt chặng đ­ường đã qua, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã trải qua nhiều bước phát triển quan trọng, luôn bám sát nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và tập trung trí tuệ, sức lực để thực hiện đồng bộ, sâu rộng các lĩnh vực công tác của ngành như xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL; thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp.... đã ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp; phát huy truyền thống xây dựng, trưởng thành và phát triển của Ngành. Trong những năm qua, tập thể, công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp luôn coi đây là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện là người cán bộ Tư pháp “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Cho đến nay, có thể nói công tác Tư pháp đã thực sự trở thành yếu tố nội lực, yếu tố không thể thiếu tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhất là trong những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, công tác Tư pháp của tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét, Ngành Tư pháp đã và đang là chỗ dựa đáng tin cậy của tỉnh trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội, xác định “Tư pháp gần dân, vì dân đổi mới”, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực trong tất cả các mặt công tác để ngày càng gần dân, hiểu dân, giải quyết các công việc của dân một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất. Các TTHC được kiểm soát chặt chẽ, đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, thực hiện, giảm chi phí cho tổ chức, công dân khi thực hiện TTHC tại cơ quan Nhà nước. Các hoạt động về hành chính tư pháp, hoạt động công chứng, chứng thực được sắp xếp, bố trí lại một cách hợp lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, công dân. Công tác trợ giúp pháp lý hướng đến các đối tượng chính sách, người  nghèo, người khuyết tật, chú trọng đến các địa bàn xã ở vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống…Ngành Tư pháp luôn tìm tòi, đổi mới, cải tiến các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật sao cho hấp dẫn, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng và sát với tình hình thực tế ở tỉnh, thực sự là nguồn lực quan trọng để tỉnh nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật làm cơ sở để tỉnh triển khai có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Trong suốt 39 năm xây dựng và trưởng thành của Sở, trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng dù ở bất kỳ giai đoạn nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy có sự thay đổi tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng mỗi thời kỳ, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, Ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị mà Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao cho. Thành tích của Ngành Tư pháp những năm qua bắt nguồn từ lòng trung thành với Đảng, với Nhân dân, sự cố gắng, tận tụy, ý thức trách nhiệm và đặc biệt là sự sáng tạo của tập thể các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành.
Với những thành tích, những đóng góp của mình, nhiều tập thể và cán bộ công tác trong Ngành Tư pháp đã được nhà nước tặng thưởng những huân chương cao quý. Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên vinh dự được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì, Huân chương lao động hạng ba, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ. Nhiều cá nhân cũng được nhận nhiều phần thưởng cao quý khác. Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho các thế hệ làm công tác Tư pháp sự tôn vinh, sự động viên khích lệ đối với các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành.
Trong niềm chung vui của tỉnh và cả nước, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên rất tự hào về những thành tích đã đạt được. Những kết quả mà Ngành có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, sự giúp đỡ, phối kết hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; sự quyết tâm đoàn kết thống nhất cao trong toàn đảng bộ, sự đồng thuận của công chức, viên chức, người lao động trong Ngành qua các thời kỳ.
Đảng ủy, Lãnh đạo Sở nhận thức sâu sắc, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Để xứng đáng với sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, với công lao của các thế hệ đi trước đã vun đắp, dựng xây, cùng với sự kỳ vọng của toàn thế CCVCNLĐ trong Ngành, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, CCVCNLĐ cơ quan Sở Tư pháp Thái Nguyên nguyện đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần, sức lực, trí tuệ, tài năng, quyết tâm xây dựng Ngành ngày một vững mạnh. Cùng với cả tỉnh, góp phần xây dựng cơ đồ và khát vọng dân tộc Việt Nam.
Chúng ta tin tưởng rằng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, với sức bật mới của đội ngũ cán bộ công chức ngành Tư pháp trẻ trung, đầy nhiệt huyết và trí tuệ, trong thời gian tới, Ngành Tư pháp tỉnh Thái nguyên sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, chính quyền và nhân dân./.

 

Tác giả bài viết: Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây